Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có văn bản số 1433/UBND-HTKT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, hệ thống lưới điện trước mùa mưa bão.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc vận hành đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện liên hồ trên lưu vực sông Sê San về công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành đơn hồ chứa được cấp thẩm quyền phê duyệt; chủ động sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp do sự cố thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão tại các cơ sở, công trình trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện; thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn dập, hồ chứa và chủ động sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Công Thương tăng cường giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy điện, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường giám sát việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.
Song song với việc đảm bảo an toàn hồ, đập, các đơn vị sản, xuất kinh doanh thuộc ngành Công Thương cần xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu; có phương án điều tiết các mặt hàng thiết yếu giữa các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng thiên tai, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, ổn định thị trường trong và sau thiên tai; tập trung theo dõi diễn biến thiên tai, chủ động, kịp thời cung cấp hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu khi có các tình huống thiên tai xảy ra; có các biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình thương mại, nhà kho thiết bị, hàng hóa trong mùa mưa bão.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư và phương tiện, kịp thời huy động lực lượng để ứng phó sự cố do thiên tai gây ra; thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ"; chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây; phối hợp tuyên truyền hướng dẫn cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão; chủ động và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sự cố thiên tai gây ra, nhất là sự cố về sạt lở và bão lũ, động đất…
Tỉnh Kon Tum cũng như khu vực Tây Nguyên đang bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Với những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc chủ động phòng, chống rủi ro, đảm bảo an toàn hồ, đập là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.
Cao Nguyên