Những năm gần đây, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng về số lượng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hàng ngàn hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở lại thấp thỏm lo âu, nhất là khi mùa mưa bão đã đến.
Tại khu vực Bốt Đỏ, xã Phú Phú Vinh, huyện A Lưới, xảy ra tình trạng sạt lở đất dưới chân đồi, tạo các vết trượt lở khiến đất đá đổ xuống khu dân cư, nhiều vết nứt gãy xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 30 hộ dân đang sinh sống với diện tích khoảng 1,6 hecta.
Anh Phan Thanh Huế, sống tại khu vực tái định cư chợ Bốt Đỏ, xã Phú Vinh, cho biết: Nhà ở sát chân đồi nên chúng tôi rất lo lắng. Những đợt mưa kéo dài, chúng tôi phải thu dọn những đồ đạc quan trọng để sơ tán đến nơi an toàn. Mùa mưa bão đã đến rồi, nếu tình trạng sạt lở còn kéo dài, khả năng khu vực chợ Bốt Đỏ sẽ bị san lấp.
Trên địa bàn huyện miền núi A Lưới, tình trạng sạt lở tại nhiều điểm đồi núi và sông suối trở nên nghiêm trọng hơn sau các đợt mưa lớn gần đây, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Các điểm nguy cơ sạt lở tập trung ở dọc tuyến quốc lộ 49A đoạn qua xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Phú Vinh, Sơn Thủy; khu vực đèo A Co, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; các bờ sông A Sáp, sông Bồ, sông Hữu Trạch.
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, tình trạng sạt lở trên địa bàn ngày càng phức tạp, trong đó có 4 địa điểm nguy cơ sạt lở rất cao gồm: Thôn Tru Kỹ, xã Hồng Thủy, khu vực Bốt Đỏ xã Phú Vinh, khu vực tái định cư thủy điện A Lưới và xã Hồng Quảng, ảnh hưởng đến đời sống của gần 200 hộ dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã khảo sát và xây dựng các phương án khác nhau. Trước mắt, huyện chú trọng công tác tuyên truyền và tổ chức di dời người dân đến các điểm an toàn khi có mưa bão xảy ra. Bên cạnh đó, tại các điểm đồi núi nguy cơ sạt lở tại khu vực Bốt Đỏ xã Phú Vinh và xã Hồng Quảng, huyện tiến hành khảo sát, lập đề án trình cấp trên để thực hiện san gạt và giật cấp ta luy phòng sạt lở; đồng thời xây dựng phương án di dời tái định cư các hộ dân vùng sạt lở đến nơi ở mới an toàn.
Mỗi mùa mưa bão về, 86 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu tại thôn 2, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, lại thấp thỏm lo âu trước nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, sau các trận mưa bão lớn từ cuối năm 2020 đến nay, tình trạng sạt trượt trên triền đồi, bờ sông nơi đây càng trở nên nghiêm trọng. Ông Hồ Văn Lung, xã Thượng Nhật, cho biết: "Mấy chục năm sống ở đây nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại lo lắng như bây giờ. Mỗi khi mưa bão, không chỉ sạt lở ở bờ sông, mà còn sạt lở ở những ngọn núi sát nhà dân. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện để được di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài."
Tại huyện Nam Đông, qua rà soát có 10 vị trí nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 230 hộ dân. Trong đó, 5 vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, gồm tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre; thôn Ria Hố xã Thượng Lộ; thôn 5 xã Thượng Long; thôn Đa Phú xã Hương phú và thôn 2 xã Thượng Nhật. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, huyện chủ động tuyên truyền vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ ảnh hưởng khi có mưa lớn kéo dài; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: "Huyện đã triển khai rà soát, xác định vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng phương án và kế hoạch bố trí quỹ đất thực hiện tái định cư các hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, nguồn kinh phí địa phương có hạn, kiến nghị cấp trên tạo kiều kiện hỗ trợ đầu tư kinh phí để sớm ổn định đời sống của người dân. "
Thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 48 điểm sạt lở tập trung ở các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Tình trạng sạt lở đất, lũ quét thường xảy ra ở vùng sông suối, các khu vực có độ dốc từ 30 – 35 độ. Ngoài ra, khu vực ven biển cũng xảy ra sạt lở với chiều dài hơn 30km; trong đó có 10km sạt lở nặng tập trung tại khu vực xã Hải Dương, thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc.
Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở, từ đầu tháng 9/2021, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo, cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển tại 9 huyện, thị, thành phố để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố thiên tai trong mùa mưa bão 2021 - 2022. Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, nghiêm cấm việc xây dựng, cơi nới công trình hiện có vi phạm chỉ giới đường sông; rà soát, cập nhật quy hoạch khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; tổ chức kiểm tra thực địa những vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét; triển khai lắp đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng thường trực tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đình Đức, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương tổ chức rà soát để có phương án di dời, sơ tán các hộ dân tại vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trong mùa mưa bão. Về phương án lâu dài, sau khi có những đánh giá chính thức, có cơ sở khoa học của các cơ quan chuyên môn về những vị trí sẽ bị sạt lở trong thời gian tới, tỉnh sẽ có phương án di dời tái định cư những hộ dân này ra khỏi vùng sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Tường Vi