Mặc dù chưa bước vào mùa mưa bão nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xuất hiện những đợt mưa dông trái mùa, gây sạt lở một số tuyến đường như: ĐT 432B, 439 (huyện Mai Châu); ĐT 433 (huyện Đà Bắc); ĐT 438 (huyện Lạc Thuỷ) …, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân.
Ông Trần Hữu Kim, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình cho biết: Xác định mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình giao thông, ngay từ đầu năm 2022, ngành Giao thông vận tải Hòa Bình đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn trên các tuyến đường trong mọi tình huống, nhất là tuyến đường nguy cơ cao gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Đồng thời, Sở phân công cụ thể cho từng thành viên phụ trách các tuyến đường, tăng cường đi cơ sở đôn đốc chỉ đạo, kiểm tra, yêu cầu các đơn vị quản lý đường sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng trước mùa mưa, đảm bảo kiên cố, chống sạt, trượt…
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện, lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt khi xảy ra thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đặc biệt là kiểm tra, xác định những vị trí xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở, mất an toàn giao thông để kịp thời cắm biển cảnh báo. Ngoài ra, Sở Giao thông cũng yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án đang triển khai thi công nền đường dứt điểm từng đoạn; chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn tuyến thi công.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Tuấn Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng giao thông Hòa Bình (đơn vị được giao quản lý tuyến đường 433 thuộc huyện Đà Bắc) cho biết: Để chủ động ứng phó với thiên tai mưa bão năm 2022, hàng tháng, hàng tuần đơn vị đã tăng cường kiểm tra, rà soát các cầu, cống, nền đường, những vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở tiến hành cắm biển cảnh báo cho người dân biết để phòng tránh; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, cắt cỏ, phát quang, bạt lề, khơi rãnh thoát nước trên dọc tuyến đường quản lý.
Đối với những điểm xung yếu, đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn thiết bị máy móc, vật tư (200 rọ thép, 400m3 đá hộc) ở các vị trí thuận lợi nhất; đồng thời có phương án huy động khoảng 40 nhân lực để ứng cứu ngay khi có sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc kéo dài.
Theo ông Trần Hữu Kim, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình, đến nay, qua kiểm tra, tất cả các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng phương án, kiện toàn bộ máy xung kích ứng phó với bão lũ. Vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân lực cũng đã được các đơn vị chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho việc đi lại của người dân trong mùa mưa bão. Cùng đó, Sở xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố tắc đường và chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng, đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi xảy ra sự cố.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình cho biết: Năm 2021, do chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả lũ bão nên đã giảm thiểu được thiệt hại. Tuy nhiên, trong năm 2021, trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh đã có 40 m chiều dài sạt lở, 3 điểm giao thông sạt lở, ách tắc. Trên tuyến đường địa phương có gần 1.600 m chiều dài, 2 cống, 1 cầu hư hỏng, 47 điểm bị sạt lở, ách tắc. Ngoài ra cũng ghi nhận một số công trình phụ trợ và các thiệt hại về giao thông khác, kinh phí khắc phục thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
Vũ Hà