Kiên Giang: Thực hiện tốt chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đào tạo nghề tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải-TTXVN
Đào tạo nghề tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải-TTXVN

Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là người Khmer, với trên 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu. Việc triển khai thực hiện tốt các chính sách dạy học, đào tạo nghề và chế độ cử tuyển dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo ra nội lực thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.

Kiên Giang: Thực hiện tốt chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Đào tạo nghề tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải-TTXVN

Vươn đến ước mơ

Chị Thị Xa Nhân là người Khmer đang công tác tại Khoa Dược trang thiết bị -Vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang trước đây được xét học cử tuyển ngành Dược sĩ. Chị cho biết, những năm học đại học, chị được miễn học phí và còn nhận được học bổng mỗi quý, do đó gia đình không phải lo nhiều chi phí. Phấn khởi hơn là sau khi ra trường được tỉnh bố trí về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện, gần nơi quê nhà.

“Gia đình tôi rất khó khăn, nếu không nhờ chế độ cử tuyển dành cho sinh viên Khmer, chắc ba mẹ không thể lo nổi cho tôi học đại học. Tôi luôn ghi nhớ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho mình và tự nhắc bản thân luôn làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ người dân và cơ quan công tác”, chị Thị Xa Nhân chia sẻ.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ Văn tại Trường Đại học Cần Thơ theo hình thức cử tuyển và học thêm Chứng chỉ Sư phạm, từ giữa năm 2010, thầy Trần Danh về dạy học ở Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Định An, huyện Gò Quao.

“Từ nhỏ, tôi đã ước mơ lớn lên được làm giáo viên. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi chọn thi ngành Sư phạm Ngữ Văn. Tôi nhớ khi hay tin trúng tuyển đại học, tôi và cha mẹ vừa mừng nhưng lại vừa lo. Bởi, gia đình thuộc hộ cận nghèo, ít đất ruộng sản xuất, không thể lo nổi các khoản chi phí cho tôi trong 4 năm học đại học. Rất may, chế độ cử tuyển đã giúp tôi được hiện thực hóa ước mơ làm giáo viên của mình”, thầy Danh chia sẻ.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh sống tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Lương, thành phố Rạch Giá và thành phố Hà Tiên. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh có 401 học sinh là con em đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đa số là con em đồng bào dân tộc Khmer được tạo điều kiện bước vào giảng đường đại học, cao đẳng để tiếp thu kiến thức thông qua hình thức cử tuyển. Sau khi tốt nghiệp, 246 em đã được phân công, bố trí về công tác tại địa phương.

Hằng năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề. Sau khi tốt nghiệp, tỉnh đã tạo việc làm hơn 3.000 lao động/năm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với thực hiện học bổng chính sách, chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh theo quy định của Chính phủ, các trường dạy nghề ở Kiên Giang còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp sức đến trường cho những học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để các em an tâm học tập đạt kết quả. “Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, dạy học, hỗ trợ đào tạo nghề và cử tuyển trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, tỉnh Kiên Giang có gần 3.900 đảng viên, hơn 2.900 cán bộ, công chức là người Khmer. Toàn tỉnh có 277 đảng viên người Khmer tham gia các cấp ủy; có một đại biểu Quốc hội, 372 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp”, ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc Kiên Giang thông tin thêm.

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm một trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Phổ thông (có 12 lớp, quy mô 420 học sinh) và 5 trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở có 40 lớp (8 lớp/1 trường) quy mô 250 học sinh/trường và Trường Trung học Phổ thông Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt với quy mô 1.000 học sinh, hàng năm có hơn 50 học sinh dân tộc nội trú trúng tuyển.

* Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số

Theo ông Thiều Văn Nam, Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, hệ thống trường, lớp vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy - học. Việc thực hiện chính sách đối với người dạy, người học là người Khmer được thực hiện khá tốt. Đối với người học, tỉnh và ngành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; thực hiện việc miễn, giảm học phí cho trẻ em Mầm non và học sinh Phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, chính sách hệ cử tuyển. Tỉnh kịp thời chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng dân tộc thiểu số, công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú còn được thụ hưởng chính sách theo Thông tư liên tịch số 109 ngày 29/5/2009 của liên Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. “ Thực hiện tốt các chế độ, chính sách giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng dạy - học ở các trường dân tộc nội trú trong tỉnh. Học sinh các trường dân tộc nội trú tốt nghiệp Trung học Phổ thông nhiều năm qua đạt từ 98% trở lên; riêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Kiên Giang 5 năm liền có 100% học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông”, Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết thêm.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh, trước yêu cầu đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh xác định cần có đội ngũ cán bộ nắm rõ về chính sách dân tộc và công tác dân tộc, tốt nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số.

Kiên Giang đã quan tâm quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số. Mỗi năm, tỉnh cử hàng trăm học sinh người dân tộc vào các trường đại học, đảm bảo có đủ nguồn nhân lực có trình độ, năng lực phục vụ cộng đồng dân tộc, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh tích cực triển khai các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; đầu tư phát triển hệ thống giáo dục vùng dân tộc thiểu số, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, tỉnh Kiên Giang đã triển khai kế hoạch, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực của các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; qua đó nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ chung giữa tỉnh và cả nước, xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân và cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng. Đặc biệt, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, có khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh dân tộc thiểu số.

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài, có nhiều khó khăn cần có giải pháp phù hợp cho từng địa phương. Đây là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu cần tập trung thực hiện nhằm tạo nền tảng vững chắc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh.


Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm