Kiên Giang có 14,8% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó hầu hết là người Khmer. Nhờ đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể.
Những năm trước đây, do phong tục tập quán lạc hậu, bà con thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình... tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Kiên Giang diễn ra khá phổ biến.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025", UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 4/3/2021 về việc triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025".
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đã tích cực triển khai nhiệm vụ của đề án như khảo sát, đánh giá thực trạng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong hôn nhân, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, trong hai năm thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025", công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Dân sự... được đẩy mạnh; từ đó, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên, nhân dân được nâng lên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh tình trạng tảo hôn giảm đáng kể, tuy còn xảy ra nhưng với số lượng rất ít. Trường hợp tảo hôn đều rơi vào các hộ nghèo, chủ yếu là người Khmer ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng vị thành niên, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Nếu như ở giai đoạn 2015 - 2020, địa bàn tỉnh có hơn 66.000 cặp đôi kết hôn đã có đến 71 trường hợp tảo hôn. Giai đoạn 2021 - 2022 có 36.000 cặp đôi kết hôn, nhưng chỉ còn một trường hợp tảo hôn.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025", trước hết, các địa phương trong tỉnh cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; tạo sự thống nhất cao về nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ban Dân tộc tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả tiểu dự án 2, thuộc Dự án 9 "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch của UBND tỉnh Kiên Giang về việc triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trang tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025" trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ngành chức năng đẩy mạnh, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, sát với thực tiễn, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên cũng như vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Kiên Giang sẽ duy trì, triển khai mô hình tại các xã, huyện có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin, huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, tạo ra những hệ lụy xấu mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức. Việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xét cho cùng phụ thuộc vào chính người dân. Do đó, mỗi người dân nâng cao nhận thức, quản lý, giáo dục, định hướng con em mình từ bỏ tư tưởng lạc hậu về hôn nhân, góp phần bảo vệ sức khỏe, xây dựng cuộc sống ấm no.
Lê Sen