Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao Yên Bái

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn tuyên truyền cho hội viên trong tổ tự quản về phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn tuyên truyền cho hội viên trong tổ tự quản về phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN

Những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại vùng cao Yên Bái đã trở thành một vấn nạn xã hội nhức nhối. Cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc nỗ lực đẩy lùi, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu này.

Nhiều hệ lụy tiêu cực

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái chiếm gần 60% tổng dân số toàn tỉnh. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng bào nơi đây vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, trong đó tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến gia đình và xã hội.

Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tập trung chủ yếu ở đồng bào người Mông, người Dao... tại các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội tại khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn sống trong vòng luẩn quẩn: đông con - đói nghèo - thất học - tảo hôn.

Bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải cho biết, do bị ảnh hưởng bởi những quan niệm, phong tục lạc hậu của đồng bào truyền qua nhiều thế hệ, tại nhiều thôn, bản người dân không khuyến khích con em đến trường mà muốn con cái ở nhà lấy vợ, lấy chồng sớm có thêm người làm việc giúp đỡ gia đình. Trong khi, bản thân các em, nhất là các em gái chưa nhận thức đầy đủ, nhiều em có tâm lý muốn nghỉ học sớm để lấy chồng theo phong tục dưới sự sắp đặt của gia đình.

Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao Yên Bái ảnh 1Cán bộ Hội Phụ nữ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn tuyên truyền cho hội viên trong tổ tự quản về phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN

Số liệu thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, tỉnh có gần 2.400 trường hợp tảo hôn, trong đó tảo hôn từ vợ là 1.536 người, chiếm gần 65% số người tảo hôn; hơn 90% số phụ nữ tảo hôn đều sinh con thứ 3 trở lên, phần lớn số phụ nữ này thuộc đối tượng hộ nghèo và chiếm tỷ lệ ly hôn cao.

Theo ông Giàng A Chang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Trạm Tấu, do kết hôn còn trẻ, nhiều em phải bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, mất cơ hội học tập, phải sớm lo toan cuộc sống gia đình nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo. Những gia đình tảo hôn thường thiếu hiểu biết về cách ứng xử, về kiến thức nuôi dạy con cái; thiếu trách nhiệm, bổn phận làm cha, làm mẹ, nên thường xảy ra mâu thuẫn, rất dễ dẫn đến ly hôn.

Hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực. Bản thân bệnh nhân chịu nhiều thiệt thòi, trong khi gia đình và xã hội mất đi nguồn lực để chạy chữa và chăm sóc người bệnh.

Bác sĩ Đinh Thị Minh Luyện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu cho biết, phần lớn những bà mẹ trẻ và trẻ em được sinh ra bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tâm lý do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện cả về trí lực và thể lực từ các cặp tảo hôn. Tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, dị tật, chậm phát triển, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác từ các cặp hôn nhân cận huyết thống.

Bác sỹ Luyện cho biết thêm, một số bệnh trẻ em thường gặp từ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn như: bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, ốm yếu, mù màu… Đặc biệt, có tới gần 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh. Người bệnh cần phải điều trị suốt đời, chi phí rất tốn kém.

Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trước thực trạng nhức nhối của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái, năm 2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch hành động về tuyên truyền, vận động đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc và lấy địa bàn hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải làm trọng điểm, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi tệ nạn này. Đặc biệt là giao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phụ trách từng địa bàn cụ thể.

Tại huyện Trạm Tấu, ông Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy cho biết, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm, xác định rõ đối tượng cần tập trung tuyên truyền chính là học sinh các trường phổ thông, chú trọng nâng cao hiểu biết của học sinh về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn. Ngoài ra, huyện đã phát huy mô hình gia đình, dòng tộc, thôn bản không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò gương mẫu của những người có uy tín, các chức sắc tôn giáo trong cộng đồng.

Kết quả trong năm 2021 vừa qua, huyện Trạm Tấu đã làm điểm và xây dựng mô hình điểm "Thôn, bản không có người tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 4 xã: Bản Công, Trạm Tấu, Pá Lau, Phình Hồ. Trong đó, Hội phụ nữ các cấp đã tuyên truyền, vận động được 23 trường hợp không tảo hôn, tiếp tục đến trường học tập.

Là cơ quan thường trực tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình "Thôn, bản không có người tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái thường xuyên gặp mặt, tổ chức hội nghị với 200 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Thông qua đó, xây dựng các mô hình dòng họ tự quản về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bổ sung vào hương ước, quy ước không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong tiêu chí gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa.

Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao Yên Bái ảnh 2Cán bộ Hội Phụ nữ xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu tuyên truyền cho hội viên phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại thôn, bản. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hàng chục hội nghị cho hàng trăm cán bộ xã, cán bộ thôn, bản để tuyên truyền pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Đặc biệt với vai trò và trách nhiệm của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên toàn tỉnh, hàng nghìn cuộc vận động, tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, bản đã trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa và làm thay đổi nhận thức các hội viên, góp phần tích cực đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp bộ Đoàn luôn duy trì và phát huy tốt vai trò 1.450 cộng tác viên, báo cáo viên làm nòng cốt để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động con em gia đình, dòng họ không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; định kỳ tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền không sinh con thứ ba trở lên; không thách cưới cao; không xuất cảnh trái phép...thông qua tổ tự quản tới tất cả đoàn viên thanh niên, nhất là đoàn viên nữ.

Thống kê kết quả của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho thấy, hiện nay các cấp Hội đang duy trì 370 tổ tự quản với gần 5.900 thành viên tham gia. Đây là mô hình đang góp phần tích cực làm giảm số lượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ 336 trường hợp trong năm 2015 xuống còn 216 trường hợp trong năm 2020. Đặc biệt, chỉ còn 110 trường hợp tảo hôn và không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết thống trong năm 2021. Phấn đấu chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái vào năm 2025.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm