Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, trong 5 năm (2016 - 2020), tỉnh đã chuyển đổi 32.864 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo đó, tỉnh chuyển đổi 10.290 ha tôm - lúa ở khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên sang sản xuất tôm - lúa; chuyển hơn 15.520 ha diện tích lúa Mùa sang nuôi trồng thủy sản và diện tích chuyển sang mô hình lúa – màu, chuyên rau màu, trồng cây ăn quả, hồ tiêu, khóm (dứa) ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, U Minh Thượng, Giồng Riềng, thành phố Rạch Giá.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh phát triển các vùng trồng trọt tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực như lúa, rau màu, xoài, khóm, mía, chuối, hồ tiêu…
Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, sử dụng giống năng suất cao, chất lượng tốt, áp dụng quy trình sản xuất tốt… để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa.
Tỉnh phát triển sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu, ổn định diện tích gieo trồng hàng năm 738.000 ha, năng suất thu hoạch bình quân 6,2 tấn/ha. Sản xuất lúa, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng ngày càng tăng ở tất cả các khâu làm đất, bơm tát, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sấy lúa…; từng bước tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh cũng đã quy hoạch phát triển vùng chuyên canh rau an toàn tập trung quanh các đô thị, khu du lịch như: thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc; phát triển trồng rau màu ở các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận phục vụ tiêu thụ nội địa trên địa bàn tỉnh.
Kiên Giang phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả ngày càng ổn định trong 5 năm qua hơn 23.720 ha, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn, với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như xoài, sầu riêng, măng cụt, dừa, chuối…; phát triển cây khóm ổn định ở 3 huyện Châu Thành, Gò Quao và Vĩnh Thuận.
Nhìn chung, so với trước năm 2017, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây, vật nuôi khác có hiệu quả hơn, chuyển đổi cơ cấu giống trong sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hoa để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.
Mặt khác, trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lê Huy Hải