Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 là điều kiện tiên quyết phục hồi kinh tế

Đối với hành khách đi từ vùng có nguy cơ rất cao (màu đỏ) phải có giấy xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh có kết quả: âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận kết quả trước khi mua vé tàu. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Đối với hành khách đi từ vùng có nguy cơ rất cao (màu đỏ) phải có giấy xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh có kết quả: âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận kết quả trước khi mua vé tàu. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Từ 17 giờ ngày 11/10 đến 17 giờ ngày 12/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 2.949 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 2.939 ca ghi nhận trong nước (giảm 678 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố; có 1.183 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 100 ca bệnh gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (1.018 ca), Đồng Nai (501 ca), Bình Dương (447 ca), Tây Ninh (112 ca), An Giang (111 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (509 ca), Đắk Lắk (119 ca), Tiền Giang (47 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh 57 ca), Bạc Liêu (37 ca), Gia Lai (35 ca).

Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Thái Bình.

12 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (412.673 ca), Bình Dương (222.975 ca), Đồng Nai (55.989 ca), Long An (33.449 ca), Tiền Giang (14.628 ca).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 12/10 là 1.347 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 786.095 ca.

Trong ngày ghi nhận 93 ca tử vong. Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 20.763 ca, chiếm 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết phục hồi kinh tế

Chiều 12/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát về công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021.

Tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về những mất mát, đau thương mà Thành phố đã phải gánh chịu trong đại dịch; đồng thời đánh giá, đến nay với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, Thành phố đã vượt qua thử thách khó khăn nhất trong tổ chức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Chủ tịch nước cũng biểu dương và cảm ơn các lực lượng tuyến đầu, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, cộng đồng các tôn giáo, đồng bào ta ở trong và ngoài nước đã đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng cả nước và người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Để giữ vững thành quả đạt được, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cần hiểu rõ, nhất quán về chiến lược mới trong phòng, chống dịch COVID-19, với phương thức, cách làm phù hợp, không để lây lan dịch. “Việc kiểm soát tốt dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế, xã hội. Chính quyền Thành phố cần tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để có thể xác định, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động do dịch bệnh”, Chủ tịch nước lưu ý.

Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 là điều kiện tiên quyết phục hồi kinh tế ảnh 1Đối với hành khách đi từ vùng có nguy cơ rất cao (màu đỏ) phải có giấy xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh có kết quả: âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận kết quả trước khi mua vé tàu. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Ngày 12/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp.

Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch: Đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch dựa trên: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

Về xác định cấp độ dịch, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Về biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, các biện pháp y tế bao gồm cách ly y tế, xét nghiệm, thu dung, điều trị, tiêm chủng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ (đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp; cá nhân).

Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, không khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn.

Bảo đảm an toàn khi học sinh quay trở lại trường học

Tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022, chiều 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu phải bảo đảm an toàn khi học sinh quay trở lại trường học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình dạy học trực tuyến và trên truyền hình, đã cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc học trực tuyến, học trên truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ, không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

Trước những khó khăn trong việc triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nỗ lực hơn nữa để sớm có thiết bị học tập cho học sinh; đồng thời lưu ý các kiến nghị của doanh nghiệp về miễn phí nền tảng, băng thông phục vụ học trực tuyến và có cách thức tính toán đảm bảo đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh phủ sóng Internet, kể cả ở vùng không có dịch bởi học trực tuyến, học trên truyền hình vẫn là phương thức học bổ trợ lâu dài.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh, an toàn thông tin trong môi trường giáo dục, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị viễn thông, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm hình thành những phần mềm, ứng dụng học trực tuyến đảm bảo an toàn thông tin cho học sinh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục phải có kế hoạch, giải pháp bảo đảm hoàn thành năm học theo kế hoạch; bổ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh những hình thức phù hợp trong ngắn hạn cũng như trong những năm học tiếp theo. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần sẵn sàng các khâu chuẩn bị để công tác thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học năm 2021-2022, đánh giá kết quả học tập định kỳ cũng như tổ chức kết thúc năm học linh hoạt trong mọi tình huống.

Hơn 370 tỷ đồng hỗ trợ người lao động trong đại dịch COVID-19

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đến hết ngày 11/10, toàn ngành đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 728 đơn vị với trên 133 nghìn lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 912,3 tỷ đồng tại 56/63 tỉnh, thành phố.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xác nhận danh sách gồm hơn 1,8 triệu lao động của trên 53 nghìn đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố. Trong số này có gần 1,37 triệu lao động của hơn 48 nghìn đơn vị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; gần 292,7 nghìn lao động của 3.409 đơn vị ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; gần 1.800 lao động của 20 đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm...

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ quỹ này cho trên 117 nghìn lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 42.500 người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ là 371 tỷ đồng.

Địa phương nào tiêm chậm sẽ bị điều chuyển vaccine cho nơi khác

Bộ Y tế vừa gửi công điện đến Bí thư Tỉnh uỷ, Thành ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19.

Theo Bộ Y tế, trong những ngày đầu tháng 10/2021, mỗi ngày cả nước đã triển khai tiêm được hơn 1 triệu liều vaccine COVID-19.

Từ tuần cuối tháng 9 đến tuần đầu tháng 10/2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 25 triệu liều vaccine tới các đơn vị, địa phương; dự kiến từ nay đến hết tháng 10/2021, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiếp nhận và phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng hơn 35 triệu liều.

Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận vaccine ngay sau khi được phân bổ và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả; tăng nhanh độ bao phủ mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Bộ Y tế nhấn mạnh: Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng chậm tiêm, Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine cho địa phương khác có tiến độ tiêm chủng nhanh hơn và khi đó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội tăng cường quản lý người về từ vùng dịch

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn hỏa tốc số 549/SYT-NVY về việc phối hợp thực hiện công tác y tế đối với việc thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội, gửi UBND các quận, huyện, thị xã; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã.

Theo đó, đối với các đường bay nội địa chở khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đến Hà Nội tại sân bay quốc tế Nội Bài và ngược lại, Sở Y tế yêu cầu tất cả hành khách phải tuân thủ các quy định của Bộ Giao thông Vận tải về phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội, luôn thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được xử trí theo quy định.

Ngoài ra, người dân đi về phải ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác,...phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và tư vấn kịp thời.

Đà Nẵng xem xét nới lỏng một số hoạt động

Chiều 12/10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Tại cuộc họp, đa số các ý kiến đề xuất thành phố mở thêm một số hoạt động, trong đó có ăn uống tại chỗ và mở khung giờ tắm biển với các điều kiện phòng dịch kèm theo.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh giao Văn phòng UBND thành phố căn cứ vào dự thảo của Ban Chỉ đạo Quốc gia có kế hoạch mở ra một số hoạt động; đề nghị ngành Giao thông Vận tải, Y tế, Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, quận, huyện, công an và các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp thông tin, quản lý chặt người đi bằng đường hàng không về thành phố.

Theo ông Chinh, việc kiểm soát người vào thành phố luôn được quan tâm, đặt vị trí hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế tham mưu rà soát các chỉ đạo của Trung ương để tích hợp lại thành một văn bản phòng, chống dịch thống nhất. Sở Giáo dục và Đào tạo cần sớm tham mưu thành phố về kế hoạch cho đi học lại, đánh giá nơi an toàn thì cho đi học trước.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine, theo ông Chinh, trong thời gian tới nếu Bộ Y tế phân bổ vaccine, thì thành phố sẽ tổ chức tiêm cho học sinh từ 12-17 tuổi. Các quận, huyện cần phối hợp trong việc sử dụng, phân bổ vaccine hợp lý.

Nghệ An phát hiện nhiều người dương tính với SARS-CoV-2 trở về từ vùng dịch

Chiều 12/10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quý III năm 2021 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong số các công dân của tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tự đi xe máy về quê đã có 11 người mặc dù đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nhưng khi ngành Y tế tỉnh lấy mẫu xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Bùi Đình Long cho biết thêm, những ngày qua liên tục có công dân của tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê bằng xe máy, có ngày đến 1.800 công dân. Để đón công dân, tỉnh Nghệ An đã lên phương án đón công dân một cách chu đáo, chi tiết, với sự vào cuộc của các ngành, địa phương, trong đó có việc chuẩn bị và bố trí các khu cách ly tập trung tại tỉnh để cách ly những công dân trở về. Tuy nhiên, do số lượng công dân của tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quá lớn, các khu cách ly tập trung của tỉnh đã kín chỗ, buộc phải chuyển một số công dân về cách ly tại huyện.

Đáng chú ý từ số công dân trở về này đã có 38 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 11 công dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trước khi trở về. Thống kê của ngành Y tế Nghệ An cho thấy, tỷ lệ dương tính ở số công dân về từ Thành phố Hồ Chí Minh nhiều hơn số công dân trở về từ các tỉnh khác ở phía Nam.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm