Ngày 21/9, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 337/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 18/9.
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID 19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo. Theo đó, Thủ tướng đánh giá dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt. Cả nước đã có 19 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Cùng với phòng, chống dịch, cả nước đã khẩn trương, tích cực thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả tốt.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, nhất là ngành y tế và các địa phương đã quán triệt tinh thần không chủ quan trước dịch bệnh, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực và yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các trường hợp nhập cảnh, nhất là khi mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, đồng thời tập trung chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Nhấn mạnh tại một số nơi và trong một số cơ quan, đơn vị đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, Thủ tướng yêu cầu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương đã chủ động chỉ đạo không tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, làm việc
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, làm việc và áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp từ khâu nhập cảnh, vận chuyển, cách ly tại cơ sở lưu trú, giám sát sau cách ly, làm việc theo kế hoạch; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú. Các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày được yêu cầu hạn chế tham gia lễ hội và không sử dụng các dịch vụ karaoke, bar, vũ trường.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục chuẩn bị và quản lý tốt việc cách ly tập trung tại các cơ sở của quân đội và tại cơ sở lưu trú ở các địa phương, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Việc lựa chọn các khách sạn, cơ sở lưu trú khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế làm nơi cách ly phải đáp ứng yêu cầu như xa trung tâm, không phải nơi thường xuyên tập trung đông người, thuận lợi khi cách ly, phong tỏa ... Các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nhập cảnh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm soát đường mòn lối mở trên các tuyến biên giới. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo công an các địa phương tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong việc quản lý người nhập cảnh lưu trú tại các địa phương, không để xảy ra mất an toàn.
Ban hành ngay hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 với người nhập cảnh
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc ban hành ngay hướng dẫn về giám sát y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh. Nghiên cứu đề xuất việc xét nghiệm nhanh đối với người nhập cảnh tại các cửa khẩu, các mô hình quản lý người nhập cảnh.
Bộ Y tế cần rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch, bổ sung các vấn đề chưa rõ một cách dễ hiểu, dễ thực hiện, kể cả các biện pháp phòng, chống dịch đối với cá nhân; quy trình, biện pháp phòng, chống dịch tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị; có quy chế, quy trình thật cụ thể, rõ ràng, thực hiện thuận lợi đối với việc đón nhận, giải tỏa ở các cửa khẩu, vận chuyển, cách ly tập trung ngắn ngày (5 ngày) và việc xét nghiệm bắt buộc 2 lần đối với chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh để làm việc tại Việt Nam từ các nước đã kiểm soát được dịch bệnh, có hệ số an toàn cao. Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải thường xuyên và chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện phác đồ điều trị, nghiên cứu phát triển vắc xin, trong đó tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19; chú trọng hơn đầu tư cho các bệnh viện, khoa truyền nhiễm đồng thời tăng cường đào tạo bác sỹ y học dự phòng, nâng cao năng lực các trung tâm phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát các biện truyền nhiễm khác, không vì phòng, chống dịch COVID-19 mà làm gián đoạn các biện pháp dự phòng truyền thống dẫn đến bùng phát các dịch bệnh khác, nhất là sốt xuất huyết, bạch hầu; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về vấn đề Quỹ phòng, chống dịch bệnh.
Các chuyến bay phải có phương án phòng ngừa dịch bệnh lây lan
Về việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc mở lại đường bay tới Thái Lan. Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo việc tăng tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế để đón chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh làm việc, đón công dân Việt Nam về nước, đồng thời báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam để quyết định lịch bay cụ thể. Từng chuyến bay phải có phương án phòng ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và chủ động các biện pháp phòng, chống.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo việc giải tỏa nhanh người nhập cảnh ở các cửa khẩu sân bay, không để xảy ra tụ tập đông người trong thời gian dài khi đón người nhập cảnh. Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về cung cấp test Realtime PCR cho các địa phương và chỉ đạo test tại các điểm cách ly.
Bộ Công an, Bộ Y tế cần chỉ đạo giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh Việt Nam, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương khi đón, nhận chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao vào làm việc phải tổ chức đưa đón, tổ chức cách ly, xét nghiệm, giám sát y tế đối với người nhập cảnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách sạn, cơ sở lưu trú nhận cách ly người nhập cảnh có trách nhiệm đưa đón người nhập cảnh từ sân bay về địa điểm lưu trú.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao cần chỉ đạo các đại sứ quán tổng hợp danh sách lao động phổ thông, lao động thời vụ bị kẹt ở các nước, để xuất phương án phù hợp đón về nước. Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện và hướng dẫn công cụ chung để khai báo y tế và thực hiện truy vết các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch bảo đảm áp dụng thuận lợi, nhanh, hiệu quả; thiết lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để người nước ngoài có thể tiếp cận dịch vụ y tế sớm, tránh tình trạng chậm trễ, gây phơi nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế hướng dẫn việc thu phí cách ly tập trung trong cơ sở cơ quan, quân đội (cả đưa đón nếu có) trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xác định, công bố giá xét nghiệm SARS-CoV-2 trên nguyên tắc tính đủ.
Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cùng Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông thông điệp 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập đông người, Khai báo y tế); tăng cường truyền thông về các biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm, tránh tình trạng dịch chồng dịch.
Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tại các cơ sở và hoạt động thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý, đặc biệt là tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
TTXVN