Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ, sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục phát triển và gây hại tăng trên những diện tích lúa chưa phòng trừ, phun trừ kém hiệu quả, nhất là trên những diện tích xanh tốt, bón thừa đạm tại các tỉnh ven biển, đồng bằng sông Hồng.
Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 6 tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại tăng trên các trà lúa, mức độ hại phổ biến từ nhẹ - trung bình, hại nặng cục bộ. Sâu non đục thân hai chấm gây bông bạc trên một số diện tích lúa trỗ sớm trước ngày 5/9.
Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại diện hẹp chủ yếu ở các tỉnh trung du miền núi như: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Bắc Kạn, Lạng Sơn… Bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên lúa giai đoạn làm đòng. Lúa cỏ, chuột… tiếp tục phát sinh và gây hại tăng , mức độ hại chủ yếu từ nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh lùn sọc đen hại cục bộ.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh tăng trên lúa Mùa chính vụ giai đoạn trỗ - chín, lúa Mùa muộn đẻ nhánh – đứng cái tại tại Thanh Hóa, Nghệ An, mức độ hại phổ biến từ nhẹ - trung bình, hại nặng cục bộ.
Chuột tiếp tục gây hại tăng trên lúa giai đoạn đòng, trỗ - chín tại các tỉnh trong vùng. Chuột gây hại tập trung tại các địa phương có tập quán gieo thẳng như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Thiệt hại do chuột gia tăng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhất là ở các khu ruộng gần gò bãi, mương máng, trên trà lúa làm đòng - trỗ bông - chín, ở những vùng chưa thực hiện tốt việc diệt chuột đầu vụ.
Nhện gié tiếp tục gây hại tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nghệ An,... với tỷ lệ hại cao, mức độ gây hại nặng hơn trên lúa Hè Thu giai đoạn chín - thu hoạch, lúa Mùa giai đoạn làm đòng – trỗ bông - chín sữa.
Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân cũng tiếp tục phát sinh, gia tăng gây hại trên lúa Mùa muôn tại Thanh Hóa, Nghệ An.
Ngoài ra, bệnh khô vằn phát sinh gây hại tăng trên lúa trà chính vụ và lúa Mùa muộn, hại nặng trên những chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm. Bệnh lem lép hạt phát sinh gây hại trên lúa trà chính vụ chín sữa, hại nặng trên những chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm gặp điều kiện mưa. Bệnh bạc lá có khả năng phát sinh gây hại trên lúa trà chính vụ trỗ, phát sinh trên lúa trà muộn đứng cái – làm đòng.
Tại Ninh Bình, từ đầu tháng 8 đến nay, thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sinh vật gây hại lúa Mùa phát sinh, phát triển và nguy cơ gây hại gia tăng từ nay đến cuối vụ. Do đó, để phát hiện sớm và phòng trừ đúng ngưỡng, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, trừ nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Qua kiểm tra đồng ruộng trên địa bàn xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh cho thấy, mật độ sâu cuốn lá lứa 6 đang rất cao. Ngoài ra, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã phát sinh và có nguy cơ gây hại trên diện rộng.
Trước tình hình đó, UBND xã Khánh Trung đã thông báo rộng rãi tình hình sâu bệnh hại trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ phù hợp, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng "đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách".
Ông Đinh Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Kiến Thái, xã Khánh Trung cho biết, nhiều diện tích lúa Mùa trên địa bàn xã sẽ trổ bông tập trung vào khoảng giữa tháng 9, do đó, đây là giai đoạn rất quan trọng để phòng, trừ sâu bệnh, không để ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ. Hợp tác xã đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư đảm bảo chất lượng để cung ứng cho bà con và nhanh chóng tập trung phun trừ đồng loạt sâu cuốn lá nhỏ.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 7 nở rộ từ ngày 3 - 13/9 sẽ gây hại rộng trên các trà lúa trỗ sau ngày 5/9 ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Mật độ sâu phổ biến là 50-70 con/m2, cá biệt trên 200 con/m2. Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa năm 2022. Nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng bộ lá đòng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Bên cạnh đó, rầy cám nở rộ từ ngày 13 - 23/9, gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa Mùa trung đang ở giai đoạn chắc xanh đến chín. Nhiều nơi mật độ rầy rất cao như các huyện: Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư có khả năng gây cháy ổ ở giai đoạn lúa chắc xanh đến chín. Ngoài ra, chuột, bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên các trà lúa; lúa cỏ, bệnh lùn sọc đen gây hại cục bộ... Đến nay, gần 46.000 ha lúa đã được phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ lần 1.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình dự báo, từ nay đến cuối tháng 9, thời tiết nắng mưa thất thường, rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại; trong đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, sâu đục thân 2 chấm lứa 5… sẽ nở rộ gây hại rộng trên các trà lúa trổ bông sau ngày 5/9.
Trước dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại nói trên, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ điều tra, theo dõi chặt chẽ một số đối tượng hại chính trên lúa Hè Thu – Mùa 2023 như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu – rầy lưng trắng, bệnh virus lùn sọc đen, sâu đục thân 2 chấm, chuột,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Các địa phương theo dõi, kiểm tra thường xuyên, chủ động nhổ bỏ và tiêu hủy lúa cỏ trên những diện tích lúa đã xuất hiện. Với châu chấu tre cần tổ chức phòng trừ kịp thời tại những khu vực có mật độ châu chấu cao không để châu chấu di chuyển và gây hại trên diện tích trồng cây nông nghiệp.
Vụ lúa Mùa 2023, các tỉnh Bắc Bộ đã gieo cấy 825.653 ha, chủ yếu trong giai đoạn làm đòng, trỗ. Các tỉnh Bắc Trung Bộ gieo cấy 295.960 ha; trong đó 52.715 ha lúa đã thu hoạch. Khu vực này vẫn còn trên 110.000 ha trong giai đoạn đứng cái, làm đòng và trỗ.
Bích Hồng - Thùy Dung