Sau Trà Vinh và Sóc Trăng, Kiên Giang đứng thứ ba vùng Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với gần 56.800 hộ, 242.602 khẩu, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, việc quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã góp phần giúp đồng bào Khmer ở Kiên Giang ngày phát triển đi lên ổn định cuộc sống.
Quan tâm, đầu tư cho vùng đồng bào Khmer
Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, trong giai đoạn 2014-2019, với nguồn lực của Trung ương và tỉnh, các chương trình, dự án, đề án, các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được đầu tư thực hiện, từ đó kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer không ngừng phát triển. Từ chỗ sản xuất lúa là chính, đồng bào đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái, một bộ phận đã chuyển đổi ngành nghề sang làm việc ở các khu công nghiệp…
Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước hợp vệ sinh, sử dụng điện ngày càng tăng. Tại Kiên Giang, 100% xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã; 100 xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có trạm y tế; 7/9 xã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; 40 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận là xã nông thôn mới.
Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách của Trung ương và tỉnh, Kiên Giang đã đầu tư, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, giảm nghèo. Từ năm 2014 đến nay, Kiên Giang đã hỗ trợ 7.420 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 24 tỷ đồng; các chương trình tín dụng đã cho 18.128 lượt hộ vay để phát triển sản xuất với số tiền trên 211 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ 115.064 người ở các xã thuộc vùng khó khăn với kinh phí trên 13 tỷ đồng. Kiên Giang cũng đã cấp 424.993 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào ở các xã thuộc vùng khó khăn, với kinh phí trên 233,6 tỷ đồng. Tỉnh đã hỗ trợ mua đất ở cho 635 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, với kinh phí gần 21 tỷ đồng, theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo bền vững… được thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên rõ rệt. Hiện địa phương không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm từ 10.346 hộ (chiếm 17,6%) năm 2015 còn 4.855 hộ (chiếm 7,29%); tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tăng từ 77,92% năm 2014 lên 88,3%; số hộ sử dụng điện đến nay là 98,6%, tăng 20,67% so với năm 2014.
Các chương trình, dự án đi vào thực tiễn
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng sâu, vùng xa. Các chương trình quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 đã đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng 121 công trình, gồm cầu, đường giao thông, nạo vét kênh thủy lợi, xây dựng trạm y tế, trường học…. Kiên Giang đã cấp nước sinh hoạt phân tán cho 7.910 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, với kinh phí trên 10 tỷ đồng; xây dựng 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng đồng bào dân tộc Khmer, với tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng. Tỉnh đầu tư 10 công trình điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 7.967 hộ ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, với kinh phí trên 91,5 tỷ đồng. Song song đó, các ngành, các cấp đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bao gồm cầu, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, hệ thống thủy lợi… trong vùng đồng bào dân tộc Khmer với kinh phí trên 300 tỷ đồng.
Cùng với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, trong những năm qua Kiên Giang đã huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội để đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer. Thông qua các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, các tổ chức từ thiện, xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương đã được xây dựng cùng hơn 50 cầu bê tông, 800 cây nước bơm tay, hàng chục km đường giao thông nông thôn trị giá hàng chục tỷ đồng đã mang lại lợi ích cho đồng bào. Những việc làm trên thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc, để thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, thời gian tới Kiên Giang tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển và nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, lành mạnh và thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường... Tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Kiên Giang tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng vững mạnh; giữ vững tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn ổn định.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng tập trung đào tạo nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; chú trọng dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer, nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện cho những hộ dân không có đất sản xuất được học nghề, tìm việc làm ổn định ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, ổn định đời sống.
Lê Sen