Đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang chiếm trên 13% dân số trong toàn tỉnh. Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường công tác giáo dục nâng cao mặt bằng dân trí cho đồng bào Khmer đã được Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm, nhất là việc dạy và học chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện đã hỗ trợ cấp trên 16.400 quyển sách giáo khoa tiếng Khmer cho các chùa Khmer trong toàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các chùa thực hiện việc giảng dạy thống nhất với chương trình và sách giáo khoa chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, từ sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các huyện, thành phố, từ năm 2014-2019, các chùa đã mở được 34 lớp sơ cấp Pali với 638 học viên, 29 lớp kinh luật giới với 353 học viên, 1.220 lớp Ngữ văn Khmer hè từ lớp 1 đến lớp 7 có 30.481 lượt học viên tham gia; tổ chức được 5 kỳ thi tốt nghiệp Pali, kinh luận giới và lớp 5 chữ Khmer có 892 thí sinh tham gia dự thi.
Ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, công tác xã hội hóa trong dạy học chữ Khmer được các sư sãi và Ban Quản trị ở các chùa quan tâm. Hội Khuyến học địa phương tích cực hỗ trợ về vật chất, tặng sách vở, bút, xe đạp… tạo điều kiện cho việc giảng dạy, học tập; giáo viên dạy chữ Khmer đều là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer (à cha), Ban Quản trị và các vị sư trong chùa. Hàng năm, UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí phụ cấp thêm cho giáo viên dạy chữ Khmer với mức 1- 1,3 triệu đồng/giáo viên/tháng.
Việc duy trì dạy chữ Khmer hè ở các chùa Phật giáo Nam tông đã góp phần quan trọng vào việc giảng dạy, học tập chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài việc dạy tiếng nói chữ viết, nhà chùa còn giáo dục thêm về đạo đức, nhân cách sống, sự hiếu thảo và các nghi thức giao tiếp, ứng xử…; giúp con em đồng bào từng bước tiếp thu các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số đều xem việc học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình là một nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, góp phần trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang cho biết, tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng vẫn còn một số hạn chế như: cơ sở vật chất ở các chùa còn thiếu, phải mượn tăng xá hoặc giảng đường để làm nơi dạy học; đa số giáo viên đều là à cha, Ban Quản trị và các vị sư sãi trong chùa, đều chưa qua các lớp sư phạm. Đời sống giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức về tầm quan trọng của chữ dân tộc đối với thế hệ trẻ còn rất hạn chế. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên bà con chỉ lo làm ăn, chưa quan tâm nhiều tới việc cho con em học chữ dân tộc mình…
Để đạt được những mục tiêu trong việc học tập chữ Khmer dịp hè, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện tốt hơn nữa tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; khảo sát đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy chữ Khmer ở các chùa. Qua đó có kế hoạch tập huấn nghiệp vụ sư phạm nhằm đáp ứng tốt công tác giáo dục chữ dân tộc Khmer trong thời gian tới; hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị dạy học cho các chùa; thường xuyên kiểm tra, giám sát để việc giảng dạy chữ Khmer hè được thực hiện ngày một tốt hơn.
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo cho các chùa Nam tông Khmer trong toàn tỉnh mở lớp dạy học chữ Khmer trong dịp hè, ít nhất mỗi chùa phải mở dạy được một lớp; tuyên truyền các vị sư, Ban Quản trị và à cha ở các chùa tích cực vận động con em người dân tộc Khmer tham gia học tập.
Lê Sen