Đến cuối tháng 10/2017, tỉnh Khánh Hòa đã có gần 84.000 ha rừng sản xuất. Trong tổng diện tích rừng sản xuất, rừng keo trồng phát triển mạnh nhất, giúp người dân vùng miền núi tăng thu nhập và nâng tỷ lệ che phủ rừng.
Khánh Hòa khôi phục và bảo tồn rừng ngập mặn ven đầm, vịnh biển. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN |
Năm 2010, huyện miền núi Khánh Vĩnh mới có 2.000 ha rừng keo trồng, đến năm 2015 loại rừng này tăng lên 3.000 ha và hiện nay đã lên đến trên 4.000 ha, tập trung ở các xã: Cầu Bà, Khánh Thành, Khánh Thượng, Khánh Hiệp... Theo tính toán của các hộ trồng keo, vốn đầu tư để trồng và chăm sóc 1 ha keo hết khoảng 15 triệu đồng. Keo trồng khoảng 4 năm là cho thu hoạch với doanh thu bình quân từ 50-70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cây keo còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và nhất là có thể trồng được ở khu vực đồi núi có độ dốc lớn, nơi thường có nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, qua đó góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng ở Khánh Vĩnh đạt gần 78%, cao nhất tỉnh Khánh Hòa. Cây keo cũng được trồng tập trung với diện tích hàng nghìn ha ở huyện miền núi Khánh Sơn, vùng đồi núi của thị xã Ninh Hòa và các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh… Tỉnh Khánh Hòa rất chú trọng việc bảo vệ, khoanh nuôi và trồng mới rừng sản xuất. Năm 2017, tỉnh trồng mới trên 800 ha loại rừng này. Theo HĐND tỉnh Khánh Hòa, thực hiện Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ cho hộ dân tộc thiểu số trên 3,6 triệu đồng/ha, đối tượng khác là hơn 2,9 triệu đồng/ha, để trồng rừng cây gỗ nhỏ như: keo, bạch đàn; đồng thời hỗ trợ chi phí khảo sát thiết kế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng… Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa còn hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, cấp phát hàng triệu cây giống để trồng hàng trăm ha rừng sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng keo, xây dựng các vườn ươm keo nhằm cung cấp cây giống chất lượng cao cho người dân. Tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 240.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh là 46%.
Nguyên Lý