Xã Thạch Yên, huyện Cao Phong (Hòa Bình) là xã nghèo vùng cao thuộc Chương trình 135, thuần nông của tỉnh Hòa Bình, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp nên đời sống người dân vô cùng khó khăn. Với lợi thế về cảnh quan núi rừng tự nhiên xung quanh còn hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt nơi đây có các thửa ruộng bậc thang trùng trùng, lớp lớp, được coi là nơi đẹp nhất của huyện Cao Phong. Nhận thấy là vùng đất tiềm năng về phát triển du lịch, chính quyền địa phương đang từng bước thúc đẩy để Thạch Yên trở thành vùng đất hứa cho các nhà đầu tư và khách du lịch đến tham quan.
Với tổng diện tích tự nhiên hơn 40 km2, có khoảng 1.200 hộ và gần 5.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 98,2%, còn lại là các dân tộc khác. Bên cạnh điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho phát triển nông nghiệp, Thạch Yên còn có nhiều tài nguyên có thể phát triển du lịch sinh thái, lịch sử - tâm linh và du lịch cộng đồng.
Nhiều cảnh quan nơi đây đang dần được khai phá như: Điểm ruộng bậc thang, nơi con người đã phải trải qua hàng trăm năm xây đắp mở mang kiến tạo, mất vài năm khai phá xây đắp cho thành nền, thành ruộng, thành bờ, chọn đất làm ruộng trước khi chọn đất lập bản dựng nhà. Việc trộn đất san ruộng đắp bờ phải dựa vào yếu tố phong thủy, tâm linh tín ngưỡng bản địa. Khu thác Tải Đai nổi lên như một bức tranh thủy mạc "sơn thủy hữu tình" là khu thác nước tự nhiên kết hợp với cảnh quan núi rừng tự nhiên xung quanh. Khu vực này có thể được khai thác thành một trong những điểm du lịch trong toàn tuyến du lịch xã Thạch Yên.
Anh Bùi Văn Phương, xóm Dớm Khánh, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong cho biết, ruộng bậc thang nơi đây được nhiều thế hệ khai hoang, phát triển và gìn giữ, đến nay các hộ gia đình trong thôn vẫn duy trì, phát huy tài nguyên ông cha để lại mặc dù làm ruộng bậc thang rất vất vả từ khâu đổ nước gieo mạ, đến khi thu hoạch phải vận chuyển khá xa. Năm nay, người dân trong xã được mùa nên rất phấn khởi. Với cảnh quan ruộng bậc thang đẹp như vậy, bà con mong muốn được đón nhiều khách du lịch đến tham quan, góp phần phát triển du lịch địa phương, tăng thêm thu nhập kinh tế cho gia đình.
Anh Bùi Văn Linh, cán bộ Văn hóa xã hội xã Thạch Yên, huyện Cao Phong cho biết, khu vực xã Thạch Yên, đặc biệt khu ruộng bậc thang của xóm Dớm Khánh là khu ruộng bậc thang đẹp nhất của xã Thạch Yên. Xã Thạch Yên đã có kế hoạch để quảng bá du lịch, nhằm thu hút du khách đến địa phương. Xã cũng đã xây dựng Nghị quyết về phát triển Thạch Yên trong giai đoạn năm 2022 – 2030, nhằm phát triển kinh tế, du lịch, tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương.
Ông Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên chia sẻ, nơi đây có lợi thế để phát triển kinh tế du lịch như Di tích lịch sử chùa Khánh, ruộng bậc thang xóm Dớm Khánh, nhà sàn bản địa, tích Bó Vua... Địa phương mong muốn trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, kết hợp du lịch sinh thái. Xã Thạch Yên với điều kiện, lợi thế về khí hậu, cảnh quan, đây là tiềm năng để hình thành các điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá…, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ. Hiện nay, tại xã Thạch Yên cũng đang kêu gọi sự đầu tư của một số doanh nghiệp, nhà đầu tư để triển khai dự án khu du lịch sinh thái tổng hợp. Trong thời gian tới, với nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, xã Thạch Yên sẽ trở thành mảnh đất mới thu hút được nhiều khách du lịch đến với tỉnh Hòa Bình.
Xã Thạch Yên đang từng bước xây dựng hướng đến trở thành khu du lịch có trách nhiệm đối với các khu thiên nhiên, hiểu biết về lịch sử văn hóa và lịch sử tự nhiên của môi trường, không làm biến đổi tình trạng của hệ sinh thái, đồng thời có cơ hội để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo lợi ích của nhân dân địa phương; phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch bền vững, cụ thể là đảm bảo tính bền vững về kinh tế, tài nguyên môi trường và văn hóa xã hội.
Thanh Hải