Khởi sắc du lịch xứ Tuyên

Khởi sắc du lịch xứ Tuyên

Với nhiều giải pháp kích cầu, 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Tuyên Quang thu hút hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu xã hội từ du lịch đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021... Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tuyên Quang có tiềm năng về phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… với gần 500 di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng. Do vậy, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Tuyên Quang nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp “kích cầu” du lịch, nhờ đó thị trường du lịch đã sôi động trở lại, tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân.

Khởi sắc du lịch xứ Tuyên ảnh 1Ruộng hoa cải vàng ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang thu hút khách du lịch. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Điểm nhấn đáng chú ý là sản phẩm du lịch trải nghiệm mới "Bơi mảng - hát Then trên hồ Nà Nưa" được tỉnh Tuyên Quang tổ chức ra mắt vào tháng 1/2022, tại hồ Nà Nưa, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Sản phẩm du lịch này đang thu hút rất đông du khách tham quan, trải nghiệm.

Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất vào cuối tháng 3/2022; Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (đầu tháng 4/2022); các hoạt động du lịch trải nghiệm về nguồn, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... được tổ chức thời gian qua để lại nhiều ấn tượng với du khách.

Ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang vui mừng cho biết, vào ngày nghỉ cuối tuần và dịp nghỉ lễ, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện đều “cháy phòng”. Đặc biệt, Tuần Văn hóa du lịch huyện Na Hang năm 2022 (tổ chức cuối tháng 4 đầu tháng 5/2022) thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm dã ngoại tại Khu lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả, ngắm hồ thủy điện Tuyên Quang - “Hạ Long cạn” giữa đại ngàn, săn mây, bắt cá bằng tay, làm bánh, cơm lam, xôi ngũ sắc và các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số…

Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh về số lượng, quy mô, chất lượng phục vụ ngày càng nâng cao, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Toàn tỉnh hiện có trên 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 phòng. Trong đó có một khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao, 37 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 2 sao với phong cách phục vụ chuyên nghiệp.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là “điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn” đối với du khách trong, ngoài nước, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Lê Thanh Sơn, tỉnh cũng như ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đang tập trung chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022, dự kiến tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 8-10/9.

Trong khuôn khổ Lễ đón nhận và Lễ hội Thành Tuyên có nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn như: Ngày Văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội; Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Hội chợ Thương mại - Du lịch; chung khảo, tổng kết, trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” và Cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Tuyên Quang năm 2022”, chung kết Cuộc thi “Người đẹp xứ Tuyên”... cùng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của các địa phương trong tỉnh hưởng ứng sự kiện.

Để tạo thuận lợi cho du khách, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; triển khai các bước xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; mở mới tuyến đường từ xã Tam Đa (huyện Sơn Dương) đến thành phố Tuyên Quang kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường từ huyện Hàm Yên (từ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang) đi các huyện Chiêm Hóa, Na Hang kết nối với lòng hồ Na Hang, hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Tỉnh khuyến khích thành lập doanh nghiệp lữ hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng... Đây là hướng phát triển lâu dài, chiến lược để Tuyên Quang trở thành điểm đến của du khách, bảo đảm phát triển du lịch bền vững.

Tỉnh phấn đấu năm 2022 đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên, tạo việc làm cho trên 25.000 lao động. Đến năm 2030, Tuyên Quang phấn đấu đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch, đóng góp vào GRDP toàn tỉnh từ 10% trở lên, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động…

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm