Tuyên truyền chính sách qua lời hát Then

Bà Hà Thị Mỵ (giữa) cùng các thành viên Câu lạc bộ Văn nghệ dân tộc hát Then đàn tính do bà làm Chủ nhiệm tập các bài hát Then do chính bà sáng tác để chuẩn bị biểu diễn. Ảnh: Vũ Quang Đán
Bà Hà Thị Mỵ (giữa) cùng các thành viên Câu lạc bộ Văn nghệ dân tộc hát Then đàn tính do bà làm Chủ nhiệm tập các bài hát Then do chính bà sáng tác để chuẩn bị biểu diễn. Ảnh: Vũ Quang Đán

Với mong muốn nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc nơi mình sinh sống, bà Hà Thị Mỵ, dân tộc Tày, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã vượt qua nhiều khó khăn của bản thân và gia đình (chồng là thương binh hạng 1/4, sức khỏe yếu) để gắn bó hết mình với công tác y tế, dân số của thôn bản. Trong 26 năm làm công tác y tế và dân số của thôn bản, bà đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tuyên truyền. Đặc biệt, bà đã dùng lời Then - nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày để tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số, y tế… Nhờ vậy, đã giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ nội dung tuyên truyền và tích cực làm theo.

Tuyên truyền chính sách qua lời hát Then ảnh 1 Bà Hà Thị Mỵ (giữa) cùng các thành viên Câu lạc bộ Văn nghệ dân tộc hát Then đàn tính do bà làm Chủ nhiệm tập các bài hát Then do chính bà sáng tác để chuẩn bị biểu diễn. Ảnh: Vũ Quang Đán

Trong những ngày đầu năm 2022, ngược dòng sông Lô theo đường Tỉnh lộ 185, chúng tôi tìm đến Thôn 5, xã Trung Trực, ấn tượng đầu tiên là trông bà Mỵ rất phúc hậu. Năm nay, đã bước sang tuổi 63 nhưng bà luôn cần mẫn, hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tối lại miệt mài ngồi sáng tác, chuyển thể các bài hát Then về các chủ đề dân số, y tế… Bà Mỵ cho biết, hát Then là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Tày. Khi nghe hát Then người Tày có thể ngồi nghe, xem mãi cũng không chán. Hơn nữa, khi các chính sách về dân số, y tế được lồng vào trong các bài hát Then, biểu diễn trong các hội nghị, buổi biểu diễn văn nghệ của thôn, bản… sẽ đến được với nhiều người hơn.

Cũng theo bà Mỵ, mặc dù không được học về sáng tác nhưng bà đã tự tìm tòi, nghiên cứu và tìm đến các nghệ nhân để học hỏi cách đàn, hát, sáng tác. Đến nay, bà đã sáng tác và chuyển thể hàng trăm bài hát Then về các chủ đề khác nhau. Điển hình như “Bài ca dân số”, “Dinh dưỡng mọi nhà”, “Chủ trương hợp lòng dân”… với lời Then mượt mà, đi vào lòng người: Lớp trẻ mình luôn luôn ghi nhớ/Trước tiên là hiểu Luật Hôn nhân/Sau thực hiện dân số gia đình… á ơi-á ơi…/Cặp vợ chồng chỉ có hai con…/Dù trai gái cũng là bình đẳng/Không phân biệt nam nữ trọng khinh…

Rồi trong những ngày cả nước gồng mình chống lại đại dịch COVID-19, bà cũng đã sáng tác bài hát Then “COVID-lịch sử”. Việt Nam ta khởi đầu chống dịch á ơi, á ơi/Chỉ thị 16 Thủ tướng Chính phủ đề ra/Mọi người không ra khỏi nhà – khi không cần thiết/Dịch bệnh đang gieo giết quanh mình/Mọi người đều đồng tình hưởng ứng/Cùng cách ly theo đúng chủ trương/Những chiến sỹ áo trắng cùng nhau chung sức á ơi, á ơi/Cùng đồng tâm hiệp lực ngày đêm/Không lùi bước trước tên COVID á ơi, á ơi…

Tuyên truyền chính sách qua lời hát Then ảnh 2Bà Hà Thị Mỵ tuyên truyền với người dân về việc cần đi tiêm phòng vaccine COVID - 19. Ảnh: Vũ Quang Đán – TTXVN

Những bài hát Then sau khi bà Mỵ sáng tác, được bà và các thành viên trong Câu lạc bộ Văn nghệ dân tộc hát Then đàn tính do bà làm Chủ nhiệm tập và biểu diễn trong các cuộc họp thôn, buổi giao lưu văn nghệ của thôn bản. Qua đó, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ nội dung tuyên truyền và tích cực làm theo.

Bà Má Thị Hản, thôn 5, xã Trung Trực chia sẻ: “Nhờ được bác Mỵ tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về dinh dưỡng, y tế qua các bài hát Then nên chúng tôi nắm được kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho các con, cho bản thân cũng như người thân trong gia đình. Đặc biệt, trong đợt tiêm phòng COVID -19 vừa qua, tôi bị bệnh nền nên rất lo lắng, sợ không dám tiêm, nhưng được bà Mỵ đến tận nhà tuyên truyền, vận động nên tôi cũng hiểu bớt lo, rồi mới dám đi tiêm…”.

Ông Lương Văn Tùng, Trưởng thôn 5, xã Trung Trực cho biết, thôn 5 có 162 hộ dân, trong đó 97% là đồng bào dân tộc Tày. Do được bà Mỵ tuyên truyền vận động tốt, nên nhiều năm trở lại đây, thôn 5 không có người sinh con thứ 3; phụ nữ mang thai, trẻ em sơ sinh được khám, chăm sóc tại Trạm Y tế; tỷ lệ tiêm chủng đạt 100%, các loại bệnh như sốt rét, tiêu chảy, kiết lị… đã hoàn toàn được đẩy lùi. Người dân biết ăn, ở hợp vệ sinh; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cũng được nâng cao. Do có sức khỏe ổn định nên người dân trong thôn an tâm chăm lo phát triển kinh tế, đời sống ngày càng được nâng lên.

Theo bà Đào Thị Huế, Trưởng Trạm Y tế xã Trung Trực, bà Mỵ có cách tuyên truyền về công tác dân số, y tế rất phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của người dân địa phương. Do vậy, các chủ trương, chính sách về dân số đi vào đời sống của người dân rất tự nhiên, các thủ tục lạc hậu bị đẩy lùi, đời sống người dân cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, trong chiến dịch phòng, chống COVID -19, thôn 5 luôn là điển hình của xã.

Tuyên truyền chính sách qua lời hát Then ảnh 3Bà Hà Thị Mỵ được mọi người yêu mến gọi với cái tên "Bà dân số của thôn bản". Ảnh: Vũ Quang Đán – TTXVN

Được biết, bà Mỵ bắt đầu làm nhân viên y tế, cộng tác viên dân số thôn 5 từ năm 1995. Những năm đó, đời sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được người dân chú trọng; thôn 5 nằm cách xa Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế… Do đó, bà phải thường xuyên đến từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con, đặc biệt là chị em trong việc chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, bà phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chương trình y tế, như: Nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống bệnh suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, giữ vệ sinh môi trường...

Với những đóng góp tích cực trong công tác mặt trận, dân số, y tế thôn bản, bà Mỹ đã được nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan chức năng; trong đó, năm 2019 bà Mỵ được UBND huyện Yên Sơn tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, giai đoạn 2014-2019.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như phát triển kinh tế gia đình, bà Mỵ cho biết: “Muốn vận động được người dân, bản thân mình phải là người gương mẫu, thực hiện trước. Ngoài ra, cũng phải kiên trì, đa dạng các hình thức tuyên truyền đến bà con. Khi đã hiểu rõ được lợi ích trong các chính sách dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe… thì người dân sẽ tích cực thực hiện theo”.

Theo Chủ tịch UBND xã Trung Trực Hoàng Kim Hiếu, Trung Trực là xã 135 của huyện Yên Sơn, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chiếm hơn 36%. Việc bà Mỵ - một đảng viên tận tâm và có 24 năm tuổi Đảng, hết mình với công tác dân số, y tế của địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân thôn 5 nói riêng, người dân trên địa bàn xã nói chung về chăm sóc sức khỏe, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Bà Mỵ là tấm gương điển hình cho người dân trên địa bàn xã học tập và làm theo.

Vũ Quang Đán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm