Kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở Khánh Hòa

Kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở Khánh Hòa

Cùng đồng hành, động viên, hỗ trợ các thành viên phát triển là sứ mệnh của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa. Nhiều điển hình hình tiên tiến, hợp tác xã với các mô hình sản xuất, kinh doanh lãi đến hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo công việc thường xuyên cho xã viên hợp tác xã, người lao động thời vụ.

Kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở Khánh Hòa ảnh 1 Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tạo nên từ tre, nứa, mây và các vật liệu tết bện do các xã viên và người lao động của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước tạo nên. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (thị xã Ninh Hòa) chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ gỗ, tre, nứa, rơm rạ, lục bình, cói… Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã này đã xuất khẩu sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu hàng năm đạt từ 56 - 70 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Phương, thành viên của hợp tác xã cho biết, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước có tiền thân là một tổ hợp sản xuất nhỏ, ít vốn, mặt bằng hạn hẹp, sau nhiều năm vừa làm vừa học tập các mô hình, tìm hướng đi. Hợp tác xã hiện có tổng tài sản khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động với thu nhập từ 4 -7 triệu đồng, tùy vị trí việc làm.

Chị Phương nói thêm, từ các vật liệu mang tính truyền thống như: tre, nứa, mây và các vật liệu tết bện như: rơm rạ, bẹ chuối, cói, lục bình… kết hợp với công nghệ xử lý hiện đại, qua bàn tay đan lát thủ công khéo léo của người thợ, đã cho ra sản phẩm mây tre đan đáp ứng được đòi hỏi của thị trường đó là đẹp, bền, thân thiện và giá cả hợp lý.

Kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở Khánh Hòa ảnh 2 Chị Nguyễn Thị Phương (giữa), xã viên quản trị nhân sự Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước giới thiệu mặt hàng giỏ xách được đan bằng lục bình. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Trước đây, các mặt hàng của hợp tác xã chủ yếu xuất khẩu đi thị trường các nước lớn trên thế giới. Sau dịch COVID-19, hợp tác xã ngoài xuất khẩu thì bắt đầu chú trọng vào thị trường trong nước.

Chị Nguyễn Thị Phương cho biết, trước sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số toàn cầu thì phương thức bán hàng cũng thay đổi. Ban giám đốc cùng với các xã viên, hợp tác xã mạnh dạn thêm thị trường phục vụ khách hàng nội địa trong chiến lược kinh doanh sắp tới. Kết quả ban đầu cũng rất khả quan, thị trường trong nước chấp nhận mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo ông Ngô Văn Nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước, trước nhiều thách thức của hàng thủ công mỹ nghệ so với hàng công nghiệp, nhiều năm qua, bên cạnh việc kế thừa và phát huy truyền thống ngành nghề của những người đi trước, hợp tác đã không ngừng cải tiến về mẫu mã sản phẩm. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.

“Chúng tôi mong muốn được ưu tiên mở rộng diện tích trồng và phát triển các vùng nguyên liệu đối với làng nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương, nhằm giảm chi phí nhập nguyên liệu, tăng doanh thu góp phần nộp ngân sách địa phương ngày càng cao, giải quyết việc làm cho một số bộ phận người lao động tại địa phương, nhằm thúc đẩy an sinh xã hội phát triển”, ông Ngô Văn Nhân nhấn mạnh.

Kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể ở Khánh Hòa ảnh 3 Giỏ đan bằng vật liệu cói mẫu mã đã được cải tiến, hấp dẫn người dùng. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Lộc (huyện Diên Khánh) hiện có 1.350 thành viên với diện tích đất sản xuất lúa 287ha trồng 2 vụ/năm. Tổng trị giá tài sản hiện nay hơn 11,3 tỷ đồng, bình quân mệnh giá cổ phần 363.000 đồng.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Lộc cho biết, qua 47 năm (1976 -2023) xây dựng và trưởng thành, không ngừng củng cố và phát triển, Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Lộc mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh hiệu quả, mở rộng liên kết sản xuất, phát triển mạnh các dịch vụ.

Cùng với việc cung cấp tất cả các dịch vụ cho thành viên trong toàn bộ các khâu làm đất, chăm sóc, thủy lợi, thu hoạch và tiêu thụ lúa, hợp tác xã còn nổi bật với hoạt động tín dụng nội bộ; giai đoạn 2010 - 2015, doanh số cho vay của hình thức tín dụng này đạt hơn 12,2 tỷ đồng, giai đoạn 2015 - 2020 đạt hơn 23 tỷ đồng.

Với hình thức hoạt động là các thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị hợp tác xã quản lý và cho các thành viên khác vay, chỉ tính trong 12 năm qua, tín dụng nội bộ đã giải ngân cho hơn 5.000 lượt hộ thành viên được vay vốn để phát triển kinh tế, giải quyết việc gia đình.

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa nhấn mạnh, cùng với một số điển hình tiên tiến như Hợp tác xã Thảo dược Việt Nam, Hợp tác xã Trầm Hương Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Hợp tác xã Vận tải ASIA... 2 Hợp tác xã Vĩnh Phước, Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Lộc được đánh giá là điểm sáng, nổi bật trong kinh tế tập thể hợp tác của tỉnh Khánh Hòa.

Cả 2 hợp tác xã này đều làm tốt về việc quản lý nhân sự, mạnh dạn đưa các sáng kiến kinh doanh vào thực hiện, không trông chờ ỷ lại. Đồng thời, tạo sự gắn kết giữa hội đồng quản trị và các xã viên hiệu quả, tích cực làm các công tác thiện nguyện. Các đơn vị này được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp từ Trung ương và địa phương.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể. Là cầu nối giữa các đơn vị hợp tác cùng chính quyền và các đơn vị có liên quan để thực các hợp tác xã mạnh dạn triển khai các ý tưởng, chiến lược kinh doanh.

Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, trong giai đoạn tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa sẽ phát huy hơn nữa vai trò hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể; thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với các hợp tác xã để kịp thời nắm bắt nguyện vọng, những tồn đọng, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của hợp tác xã nhằm tham mưu, đề xuất và kiến nghị với UBND tỉnh, các sở ngành có liên quan tháo gỡ kịp thời.

Đến nay, Khánh Hòa có 170 hợp tác xã; 4 quỹ tín dụng nhân dân. Trong 143 hợp tác xã đang hoạt động, có 117 hợp tác xã nông nghiệp và 26 hợp tác xã phi nông nghiệp.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm