Sáng 21/5, tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn "Kết nối Tây Nguyên" với sự tham gia của lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên cùng một số doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư lĩnh vực nông sản trên địa bàn Tây Nguyên.
Diễn đàn với nội dung "Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên" sẽ mở ra cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, hợp tác phát triển trong liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản và tiêu thụ các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Các tham luận của nhiều địa phương, doang nghiệp đã nêu bật thế mạnh, tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến cho biết, Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 5,5 triệu ha, chiếm khoảng 16% diện tích đất cả nước; trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 91%. Đây cũng là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phủ về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái.
Với khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh, phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh. Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cả phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo. Nhờ vậy, nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường.
Các đại biểu tại diễn đàn đã tập trung bàn sâu về việc đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước mở rộng không gian tiêu thụ nông sản và nâng cao giá trị hàng nông sản Tây Nguyên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững; khai thác tài nguyên đi đôi với bảo vệ, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Tích hợp đa ngành đa giá trị gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác theo chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn liên vùng, liên tỉnh.
Theo đó, tại diễn đàn, ngành nông nghiệp Tây Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp toàn vùng trên 3%/năm với trọng tâm là kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đại diện tỉnh Đăk Nông, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới, tỉnh Đăk Nông sẽ đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển các cây trồng có lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phát triển mạnh kinh tế tập thể và tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đề nghị các bộ, ngành Trung ương mời gọi, kết nối các đối tác, doanh nghiệp đến Gia Lai đầu tư, hình thành và phát triển các vùng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Gia Lai đáp ứng các yêu cầu về rào cản kỹ thuật và quy định của thị trường tiêu thụ các nước. Đồng thời, hỗ trợ Gia Lai phát triển hệ thống logistic trong lĩnh vực nông sản (từ sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu) để giúp nông sản hàng hóa có thế mạnh của Gia Lai tiến nhanh, tiến sâu vào thị trường quốc tế.
Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã chuyển đổi hơn 38.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn tỉnh hiện có gần 33.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khoảng hơn 200.000 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn. Đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500 ha với các cây trồng chính như chuối, bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa…
Tỉnh Gia Lai đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chế biến. Toàn tỉnh có khoảng 231.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 42 doanh nghiệp và gần 12.000 hộ nông dân tham gia liên kết. Tỉnh có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hơn 300 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; có 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Gạo Ba Chăm Mang Yang và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cà phê Gia Lai, Hồ tiêu Gia Lai.
Với tiềm năng và thế mạnh của địa phương về phát triển nông nghiệp và cơ sở chế biến hiện có; thời gian tới, định hướng của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020-2025) là phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông-lâm sản, tỉnh sẽ tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tỉnh phát triển các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ cao su, cà phê, điều, tiêu, cây ăn quả; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm.
Tỉnh Gia Lai cũng cam kết tạo các điều kiện cho nhà đầu tư được nhiều thuận lợi trong thụ hưởng các chính sách ưu đãi; thực hiện việc liên kết, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư để tạo hiệu quả cao nhất.
Tại diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên, các hiệp hội ngành hàng chủ lực, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác liên quan đến phát triển, sản xuất, tiêu thụ nông sản trong khu vực.
Hồng Điệp