Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H’Drai thuộc tỉnh Kon Tum từ năm 2015. Mặc dù huyện chỉ mới thành lập được 10 năm, song huyện biên giới Ia H’Drai đã vượt lên khó khăn, thử thách để trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum.

Thay da đổi thịt
Thời gian đầu thành lập, huyện Ia H’Drai được xem như một huyện nghèo của tỉnh Kon Tum với vô số khó khăn. Không điện, đường, trường, trạm, nước sạch, đời sống của người dân thiếu thốn đủ điều. Những nguyên nhân này khiến chính quyền địa phương gặp khó trong việc thu hút dân cư đến sinh sống, làm việc, gây trì trệ trong sự phát triển chung.

Anh Nguyễn Bá Lương (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) cho biết, gia đình anh là một trong những hộ đến sinh sống và làm việc ngay từ những ngày đầu thành lập huyện. Khi đó, hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến địa liên thôn, xã trên địa bàn chưa có nên việc đi lại rất khó khăn.
“Vào mùa mưa, nhiều tuyến đường trơn trượt, sạt lở khiến phương tiện không thể lưu thông. Là một hộ có truyền thống làm nghề buôn bán nên đây được xem như cơn “ác mộng” đối với gia đình. Những lúc đau ốm, có khi phải di chuyển vài ngày mới đến được điểm khám chữa bệnh. Ngoài ra, việc không có điện, nước sinh hoạt càng khiến đời sống càng thêm cơ cực”, anh Nguyễn Bá Lương chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng này, huyện Ia H’Drai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Phân bổ nguồn lực, tập trung xây dựng các tuyến đường liên thôn, xã phục vụ việc giao thông, buôn bán cho các hộ dân trên địa bàn. Tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 14C chạy dọc qua trung tâm huyện đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, sửa chữa. Nhờ đó, giúp huyện Ia H’Drai mở ra cơ hội kết nối với huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) và các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum).



Cùng đó, 100% dân cư trên địa bàn huyện đã được tiếp cận điện lưới Quốc gia; hệ thống trường lớp, thiết bị dạy và học ngày càng được chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu của học sinh; có 3 trạm đạt 100% điều kiện để khám chữa bệnh và tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 100%.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) Nguyễn Ngọc Quang cho biết, trước đây, Quốc lộ 14C chủ yếu là tuyến đường đất gây khó khăn trong việc đi lại. Nhờ được đầu tư, xây dựng, Quốc lộ 14C đã được kiên cố, bê tông hóa. Đây được xem như tiền đề cho địa phương trong việc phát triển kinh tế-xã hội, thu hút dân cư đến sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Kết quả của việc đồng bộ kết cấu hạ tầng cho thấy, thu nhập bình quân của các hộ dân tại xã Ia Dom năm 2024 đạt 61,75 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,48% và xã Ia Dom là địa phương đầu tiên của huyện biên giới Ia H’Drai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021.
Anh Nguyễn Bá Lương (xã Ia Dom) chia sẻ, nhờ hệ thống đường xá được bê tông hóa, thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán nên đời sống người dân nơi đây đã cải thiện hơn so với trước. Riêng gia đình anh, dựa vào việc bán tạp hóa và chăn nuôi heo đã giúp gia đình có được thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Phát triển bền vững
Huyện Ia H’Drai hiện có 3.934 hộ/16.500 nhân khẩu với hơn 60% người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số từ nơi khác đến sinh sống. Do đó, chính quyền huyện đã tập trung tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân bằng nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập và giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đơn cử như hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến (thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) đã tận dụng thời gian không cạo mủ cao su để nuôi hươu sao giúp mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Mô hình đã và đang được các hộ dân nhân rộng. Đồng thời, hình thành nên Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tiến để thuận tiện trong việc bán các sản phẩm, hướng đến hình thành nên sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Ia H’Drai.
Ngoài ra, chính quyền địa phương tích cực vận động các hộ dân trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao đời sống. Chị Phạm Thị Như Thủy (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) cho biết: Năm 2021, được sự vận động của cán bộ xã, gia đình chị đã thực hiện cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng cau. Với giá bán từ 70-95 nghìn đồng/buồng cau như hiện tại đã giúp gia đình có thêm thu nhập đáng kể bên cạnh nguồn thu từ việc nuôi trồng thủy sản.

Với những chính sách, định hướng đúng đắn cho thấy, từ năm 2021-2024, tỷ lệ giảm nghèo của huyện Ia H’Drai bình quân mỗi năm đạt 9,2%. Đến cuối năm 2024, huyện Ia H’Drai còn 157 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,99%; có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nhằm phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xác định rõ tiềm năng, lợi thế để tập trung khai thác và phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương như cao su, thủy sản, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả; tích cực thu hút, kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Rà soát các hộ nghèo, cận nghèo và đưa ra giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng, phấn đấu trong năm 2025 có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Huyện còn phối hợp chặt chẽ với các công ty cao su trong việc tuyển dụng, đào tạo và vận động số công nhân cao su thời vụ chuyển khẩu về huyện Ia H'Drai để sinh sống lâu dài, ổn định cuộc sống. Đây là một trong những tiền đề giúp huyện giữ vững và phát huy các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, từng bước trở thành điểm sáng về kinh tế ở khu vực biên giới Kon Tum.
Cùng đó, huyện tập trung triển khai công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vượt biên trái phép; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đường biên, cột mốc; thực hiện tốt công tác đối ngoại với các huyện giáp biên của tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia.
Khoa Chương