Huyện Văn Chấn (Yên Bái) lấy thương hiệu chè Suối Giàng để phát triển mạnh giống chè Shan của huyện. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như: chè, quế, cây màu. Huyện Văn Chấn đã cử nhiều đoàn công tác đến động viên và tìm giải pháp tháo gỡ cho nhân dân. Đối với diện tích đồi cao, vận động nhân dân trồng quế, trồng rừng, diện tích có độ dốc thấp có thể trồng chè. Diện tích đất đã cải tạo thành các đường băng đồng mức để trồng cam, huyện chỉ đạo nhất thiết phải dọn dẹp sạch tàn dư cây bệnh, cải tạo đất bằng cách trồng màu vài năm, sau đó xử lý đất và trồng mới bằng các giống cây ăn quả hoặc giống cam có khả năng kháng bệnh cao. Với chủ trương này, hiện nay các hộ có cam bị bệnh đã tiến hành chặt bỏ cây cam tiến hành xử lý đất để trồng thay thế được trên 20 ha quế, đăng ký chuyển đổi gần 20 ha chè. Huyện Văn Chấn phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 sẽ vận động nhân dân chuyển đổi đa phần diện tích cam nhiễm bệnh sang trồng các loài cây khác để ổn định đời sống sản xuất cho người dân trong vùng. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, hiện toàn huyện có gần 1.500ha cam, quýt, bưởi tập trung nhiều ở khu vực thị trấn Nông trường Trần Phú nhưng từ năm 2017 đến nay có khoảng hơn 350 ha bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ đã không thể cứu vãn nổi gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người trồng cam. Để phòng, chống bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam, huyện Văn Chấn đã cấp phát trên 7.000 tờ rơi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để phòng trừ bệnh cho các hộ trồng cam; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng cam các biện pháp phòng chống bệnh thối rễ, vàng lá. Tuy nhiên, tình hình xâm nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam vẫn diễn biến phức tạp. Nếu như năm 2018, cả huyện có khoảng 200 ha bị nhiễm bệnh thì đến thời điểm này đã tăng lên 353 ha; trong đó, thị trấn Nông trường Trần Phú 248 ha, xã Minh An 80 ha, xã Thượng Bằng La 15 ha, xã Nghĩa Tâm 10 ha. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân của tình trạng này là do một loại nấm tấn công từ rễ, khiến cho rễ đen sì bắt đầu từ các rễ nhỏ lan sang các rễ to, khiến lá vàng úa, cây chết dần chết mòn. Thực trạng trên là hệ quả của việc trồng cam không theo đúng quy trình kỹ thuật như trồng với mật độ quá dày, thoát nước kém; sử dụng nhiều thuốc trừ cỏ, phân bón qua lá và chất kích thích sinh trưởng; bón phân chuồng tươi chưa hoai mục; trồng lại ngay trên diện tích đã bị bệnh chưa qua xử lý đất và thu dọn tàn dư nguồn bệnh hoặc sử dụng biện pháp canh tác không đúng kỹ thuật như: khoanh vỏ, đào chặt đầu rễ... đã tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập.
Đức Tưởng