Huyện miền núi Khánh Sơn khởi sắc từ thương hiệu sầu riêng cơm vàng, hạt lép

Huyện miền núi Khánh Sơn khởi sắc từ thương hiệu sầu riêng cơm vàng, hạt lép

Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Từ khi thương hiệu "Sầu riêng Khánh Sơn - cơm vàng, hạt lép" được khẳng định, loại quả này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là chìa khóa giúp địa phương thoát nghèo, phát triển bền vững.

Huyện miền núi Khánh Sơn khởi sắc từ thương hiệu sầu riêng cơm vàng, hạt lép ảnh 1Gia đình ông Bo Bo Khá, tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn có khoảng 2 ha sầu riêng, trong đó 120 gốc sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh. Ảnh Đặng Tuấn – TTXVN

Sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép

Đôi bờ sông Tô Hạp của huyện Khánh Sơn hiện hữu những vùng đất trù phú, được sự bồi đắp phù sa của dòng sông. Được ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, Khánh Sơn dần trở thành vựa trái cây lớn nhất Nam Trung Bộ. Điều nổi bật nhất phải kể đến chính là loại cây sầu riêng cơm vàng, hạt lép.

Được chứng nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ vào tháng 3/2011, thương hiệu này mang đến cho huyện Khánh Sơn không chỉ danh tiếng mà còn là nguồn thu nhập quan trọng đối với người dân địa phương. Sầu riêng Khánh Sơn không chỉ đa dạng về loại giống mà còn nổi bật bởi sự thịnh hành của loại sầu riêng Monthong. Tại Khánh Sơn, sầu riêng không chỉ là loại trái cây mà còn là câu chuyện về sự kiên trì và đam mê của người dân địa phương.

Chia sẻ về quá trình ươm những mầm cây đầu tiên đến khi chăm sóc và thu hoạch sầu riêng, ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn cho rằng, đó là quá trình dài gian nan, đến nay đã thành công. Sầu riêng không chỉ đem lại thu nhập ổn định mà còn tạo nền tảng cho sự kết nối cộng đồng và phát triển bền vững.

Theo ông Đỗ Nhi Huy, trước năm 2000, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ giống cây sầu riêng cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đến năm 2006, bắt đầu xây dựng đề án phát triển cây sầu riêng huyện Khánh Sơn. Chủ trương của huyện là phát triển 500 ha với phương án đồng bào thiểu số được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến năm 2011, huyện bắt đầu vụ thu hoạch những “quả ngọt” đầu tiên, lúc đó địa phương như đón luồng sinh khí mới đến với vùng đất nghèo nhất tỉnh.

Huyện miền núi Khánh Sơn khởi sắc từ thương hiệu sầu riêng cơm vàng, hạt lép ảnh 2Thu mua sầu riêng tại huyện Khánh Sơn. Ảnh Đặng Tuấn – TTXVN

Thấy được hiệu quả, người dân bắt tay chăm sóc, phát triển, mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng. UBND huyện tập trung xây dựng đăng ký thương hiệu “sầu riêng Khánh Sơn”. Đánh giá chất lượng của quả sầu riêng nơi đây, có thể khẳng định do điều kiện thổ nhưỡng khí hậu phù hợp, kết hợp sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm nên đã tạo ra những quả sầu riêng có mùi vị thơm ngon, cơm vàng, hạt lép.

Theo ông Đỗ Nhi Huy, hiện nay, toàn huyện có 3.000 hộ trồng sầu riêng, trong đó 20% số hộ đã trở nên giàu có. Theo tính toán, đầu tư 1 ha với khoảng 200 cây giống, sau năm thứ 5 cho sản lượng từ trên 15-20 tấn/ha. Bình quân lợi nhuận thu về 700-800 triệu/ha. Với mức giá này, nhiều nhà vườn đã có doanh thu từ 5-7 tỷ đồng, một số nhà vườn thu về 10 tỷ đồng. Qua đó, có thể khẳng định, cây sầu riêng mang lại giá trị rất cao, thay đổi cuộc sống, giúp người dân thoát nghèo.

Ông Lê Anh Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác Trái cây Sơn Bình (xã Sơn Bình) chia sẻ, từ khi có giá cao, nhiều nhà vườn tập trung sản xuất, phát triển diện tích. Với lợi thế mùa vụ thu hoạch không trùng với sầu riêng nơi khác, cùng với chất lượng tốt, sầu riêng Khánh Sơn thường bán giá cao và luôn "cháy" hàng.

Cứ đến mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi tìm về đây thu mua sầu riêng. Ông Lê Anh Quang cho biết thêm, việc được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc là cơ hội để nâng cao giá trị của sầu riêng địa phương. Tổ hợp tác Trái cây Sơn Bình đã áp dụng VietGap từ năm 2019 và tiếp tục duy trì đến nay. Trước đây, sản phẩm chỉ được bán cho các thương lái. Khi có mã số vùng trồng được cấp, các thành viên trong Tổ hợp tác rất phấn khởi.

Huyện miền núi Khánh Sơn khởi sắc từ thương hiệu sầu riêng cơm vàng, hạt lép ảnh 3Không chỉ có sầu riêng tươi, huyện miền núi Khánh Sơn đã có sản phẩm sấy đầu tiên. Ảnh Đặng Tuấn – TTXVN

Thoát nghèo nhờ cây sầu riêng

Gia đình ông Lê Anh Quang trồng sầu riêng từ 2003, đến nay đã có 3,5 ha, trong đó 1,5 ha cho thu hoạch. Nhờ có mã vùng trồng, năm nay, nông dân dễ dàng xuất sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Lê Anh Quang, hiện nay, giá sầu riêng dao động từ 65 - 75.000 đồng/kg, cuối vụ giá lên đến 75.000 - 85.000 nghìn đồng/kg. Nếu với giá sầu riêng khoảng 80.000 đồng/kg, doanh thu 1-1,5 tỷ đồng/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi 700-800 triệu đồng/ ha.

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn đã vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Bo Bo Khá, tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn có khoảng 2 ha sầu riêng, trong đó 120 gốc sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh.

Ông Bo Bo Khá khẳng định, nhờ cây sầu riêng, đời sống người dân khá hơn. Trước đây, người dân tộc thiểu số nơi đây chỉ biết trồng mía, cà phê. Nay nhờ sầu riêng, cuộc sống ấm no hơn, bà con bảo nhau cùng phát triển diện tích. Chính quyền địa phương luôn cử cán bộ khuyến nông đến chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khắc phục sâu bệnh, bà con rất yên tâm.

Huyện miền núi Khánh Sơn khởi sắc từ thương hiệu sầu riêng cơm vàng, hạt lép ảnh 4Không chỉ có sầu riêng tươi, huyện miền núi Khánh Sơn đã có sản phẩm sấy đầu tiên. Ảnh Đặng Tuấn – TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, địa bàn huyện đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa phê duyệt cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là tiền đề quan trọng góp phần bảo vệ thương hiệu sầu riêng của huyện trong quá trình lưu thông tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng lợi dụng nhãn hiệu, trà trộn sản phẩm của các địa phương khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Qua đánh giá chất lượng, quả sầu riêng được thị trường ưa chuộng.

Đến nay, huyện Khánh Sơn có khoảng 2.500 ha sầu riêng, trong đó 1.200 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Dự kiến, tổng sản lượng thu hoạch năm nay ước đạt khoảng 15.000 tấn. Sầu riêng được các nhà vườn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ và từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Qua đó cho thấy, sầu riêng là sản phẩm chủ lực của Khánh Sơn, đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Năm 2019, Sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam.

Những ngày này đang vào mùa thu hoạch của sầu riêng, dễ dàng bắt gặp không khí rộn ràng tươi vui của người dân miền núi Khánh Sơn bởi vì cây sầu riêng thực sự đã “bám rễ” làm giàu cho quê hương của họ.

Nhờ sự kết hợp giữa nỗ lực của người dân và sự quan tâm từ cơ quan chức năng, sầu riêng Khánh Sơn đã trở thành đặc sản nổi tiếng, mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương và đóng góp vào quá trình xóa đói giảm nghèo. Sầu riêng không chỉ là loại trái cây đặc sản của nơi này mà còn là biểu tượng cho sự thành công và giàu có của một huyện miền núi nơi có cộng đồng các dân tộc đang chung sống đoàn kết.

Đặng Anh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm