Hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội

Hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội

Chiều 16/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Họp báo thông tin dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Thông tin tại cuộc họp báo cho thấy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tập trung bám sát vào 5 nhóm chính sách lớn, đều nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động. Từ đó, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động trong quá trình làm việc và sau khi nghỉ hưu. Dự thảo Luật được thiết kế gồm 9 Chương và 133 điều (tăng 8 Điều so với Luật hiện hành).

Có 5 nhóm chính sách lớn được tập trung sửa đổi gồm: Xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; sổ bảo hiểm xã hội điện tử cũng là những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ban soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; Quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế…

Hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội ảnh 2Đoàn chủ toạ điều hành buổi thông tin. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Tại họp báo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về những vấn đề có khả năng nảy sinh từ những nội dung thay đổi trong dự thảo Luật. Trong đó, đáng chú ý là lo ngại giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ đặt ra trường hợp “người lao động làm việc 15 năm rồi xin nghỉ hưu và nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó trường hợp này lại tiếp tục làm việc 15 năm rồi nghỉ hưu và tiếp tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần”.

Trước vấn đề báo giới nêu ra, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, việc giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, quy định trong dự thảo Luật là nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (từ 45 đến 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ Bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế.

Việc sửa góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

“Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm”- ông Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm