“Nhận diện rõ dư địa để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách bền vững”, đây là yêu cầu của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với Bảo hiểm xã hội 6 địa phương phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.
Tại Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 6 tỉnh, thành phố trên, diễn ra ngày 13/8, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, sau cao điểm dịch COVID-19, lực lượng lao động ở các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đa phần đã trở lại với công việc, nhưng ước tính vẫn có khoảng 550.000 lao động chưa quay lại. Trong số này, mới có 350.000 người tham gia bảo hiểm, như vậy còn khoảng 200.000 người cần phát triển tiếp.
Ông Dương Văn Hào đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương phân tích, đánh giá cụ thể đối tượng tiềm năng; bám sát doanh nghiệp, mở hội nghị đối thoại với doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngoài ra, cần chú trọng phân tích, đánh giá các nhóm tham gia như nhóm bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, nhóm do ngân sách nhà nước đóng, nhóm bảo hiểm y tế hộ gia đình… nhằm đảm bảo công tác phát triển người tham gia đạt hiệu quả.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội 6 tỉnh, thành phố, trong 7 tháng năm nay, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Trước những áp lực về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm tổ chức, thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, đề ra nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, phối hợp tốt với các ban, ngành liên quan trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đại diện Bảo hiểm xã hội 6 địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua đã được giải quyết khá tốt, trong đó có những tồn tại liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã phát hành nhiều công văn đôn đốc công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Trong tháng 7/2022, có một số cơ sở khám, chữa bệnh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nên Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế đã và đang nỗ lực phối hợp để giải quyết.
Còn theo đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không có dấu hiệu thiếu thuốc, do kết quả đấu thầu thuốc năm 2021 kéo dài tới 18 tháng (đến cuối năm 2022). Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các năm trước đang được Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Y tế nỗ lực phối hợp giải quyết.
Thông tin về những vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến việc xã hội hóa máy móc, trang thiết bị mượn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đại diện Bảo hiểm xã hội Long An cho biết đang tích cực tham gia giải quyết vấn đề này.
Tại Bình Dương, đến nay việc thiếu thuốc, vật tư y tế đã được giải quyết cơ bản, song việc xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế các năm trước khá phức tạp do một số bệnh viện vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá, vượt công suất giường và một số cơ sở y tế gia tăng chi phí bất thường…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, khối lượng công việc còn lại trong 5 tháng cuối năm rất lớn, nhất là tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Theo ông, trong thời gian còn lại của năm 2022, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần quyết tâm triển khai nước rút, toàn hệ thống dồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần phân tích cụ thể, nhận diện rõ dư địa để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách bền vững.
Trong công tác thu, Bảo hiểm xã hội địa phương cần nhận diện rõ 3 chỉ tiêu tổng thể song hành nhau là chặn nợ, thu nợ và tổng nợ của địa phương phải giảm. Đối với việc phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, cần rà soát trong học sinh, sinh viên để đạt được tiệm cận 100% đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế. Cùng với đó, chủ động rà soát, tham mưu cho địa phương có chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Nhấn mạnh Bảo hiểm xã hội các địa phương cần nhìn nhận thực tế khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp kịp thời, ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, phải tiếp tục đẩy mạnh rà soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đảm bảo quyết liệt, rõ ràng. Đối với những bất thường trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phải dừng lại kiểm tra, rà soát ngay để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chủ động phối hợp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về thuốc, vật tư y tế; nỗ lực cân đối dự toán được giao, đảm bảo quyền lợi người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo kế hoạch, từ ngày 13-21/8/2022, thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức 4 Đoàn công tác do Tổng Giám đốc và ba Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn trực tiếp xuống làm việc với 7 cụm Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa phương.
Vân Phương