Tận dụng nguồn nguyên liệu sữa bò thô tại địa phương, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại Vĩnh Phúc đã được thành lập để thu mua, chế biến, tạo ra các sản phẩm chất lượng mang thương hiệu sữa Vĩnh Phúc. Đây sẽ là một trong những hướng đi giúp người chăn nuôi giải quyết đầu ra cho sữa bò, góp phần nâng tầm giá trị sữa bò và mở ra hướng đi bền vững cho người chăn nuôi.
Mới đi vào hoạt động được 3 năm nay nhưng các sản phẩm từ sữa bò của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã chinh phục được người tiêu dùng địa phương và từng bước vươn ra thị trường cả nước. Hiện nay, hơp tác xã có 6 sản phẩm chế biến từ sữa được công nhận là sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) hạng 3 sao. Kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Bà Kim Thị Tân, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cho biết, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo được thành lập năm 2018, trên cơ sở Dự án chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015 - 2019 triển khai tại 3 xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương của huyện Tam Đảo.
Hiện nay Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo có 17 hộ thành viên với 250 con bò sữa đang cho thu hoạch, mỗi ngày cung cấp 2,5 tấn sữa tươi nguyên liệu để chế biến các loại sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa tươi đóng chai phục vụ thị trường trong tỉnh và các địa bàn lân cận.
Để nâng cao chất lượng các sản phẩm chế biến từ sữa, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại gồm máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa, lò ủ sữa chua, máy đóng gói, phòng lạnh bảo quản sản phẩm. Từ nguồn nguyên liệu sữa đầu vào, tất cả quy trình từ khâu trồng, chăm sóc cỏ đến chăm sóc đàn bò đều được các thành viên hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, có sự giám sát, hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà Kim Thị Tân chia sẻ, hiện tại, hợp tác xã đang thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutricare về việc cho ra một dòng sản phẩm mới mang thương hiệu riêng của Tam Đảo. Để thực hiện điều này, trước mắt, hợp tác xã sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, dự kiến tăng số thành viên lên 50 -100 hộ. Cùng với đó, xây dựng trang trại mẫu chăn nuôi bò sữa vừa để chủ động nguồn nguyên liệu vừa kết hợp cho du khách tham quan trải nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh bò sữa Tam Đảo.
Tương tự, nhận thấy nguồn nguyên liệu sữa bò thô từ gần 10.000 con bò sữa tại địa phương, 5/2021, anh Nguyễn Tiến Lộc đã quyết định thành lập Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh, chuyên chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa với công suất thiết kế khoảng 1.500 - 2.000 tấn sản phẩm/năm.
Anh Nguyễn Tiến Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh cho biết, để làm nên đặc trưng riêng mang thương hiệu Sữa Vĩnh Tường, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Toàn bộ quy trình sản xuất đều khép kín, được cấp chứng nhận phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2018 về an toàn thực phẩm.
Theo anh Nguyễn Tiến Lộc, các sản phẩm sữa của công ty 100% sử dụng trực tiếp nguồn nguyên liệu là sữa tươi từ đàn bò được chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương với công nghệ được chuyển giao từ trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.
Bên cạnh đó, công ty sử dụng phối hợp các chủng men vi sinh vật được tuyển chọn và đánh giá kỹ về hoạt tính sinh học tạo vị và hương tự nhiên đặc trưng cho sản phẩm "Sữa Vĩnh Tường", không sử dụng chất bảo quản, chất tạo vị, tạo hương, phẩm màu hay bất kỳ chất phụ gia nào khác.
Các sản phẩm của công ty gồm các loại sữa chua ăn, sữa chua uống, sữa thanh trùng, caramen và bánh sữa sản xuất ra đã nhanh chóng được thị trường biết đến và đón nhận. Hiện, sản phẩm Sữa Vĩnh Tường không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh mà bước đầu đang được thị trường thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận tin dùng. Đặc biệt, một số trường học cũng đã đưa sản phẩm Sữa Vĩnh Tường vào chương trình sữa học đường.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 16.000 con bò sữa, sản lượng sữa hàng năm đạt gần 40.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các xã Vĩnh Thịnh, An Tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương (huyện Vĩnh Tường), xã Trung Nguyên, Đại Tự, Hồng Châu, Trung Hà (huyện Yên Lạc), xã Thái Hòa (Lập Thạch), xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo), số lượng bò cho sữa chiếm khoảng 95% tổng đàn bò sữa.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển chăn nuôi, gia tăng giá trị sản xuất chăn nuôi ít nhất 3%/năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành 103 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, chăn nuôi hướng tuần hoàn, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Mặt khác, tỉnh cũng hướng tới việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mạng lưới hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hình thành mối liên kết giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh, thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư và người dân khi tham gia vào chuỗi liên kết dự án sản xuất chăn nuôi (từ khâu cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường); hỗ trợ thành lập hiệp hội ngành hàng, hiệp hội chăn nuôi và hợp tác xã vừa sản xuất vừa gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Nguyễn Thảo