Hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản tại Tiền Giang đổi mới hoạt động hiệu quả

Hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản tại Tiền Giang đổi mới hoạt động hiệu quả

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú cho biết, hiện nay, Tiền Giang thành lập được một Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 186 hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản thu hút trên 47.700 thành viên, tăng gần 6,6% so năm 2021, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 2.100 lao động, tăng gần 22% so năm 2021. Bình quân quy mô vốn mỗi hợp tác xã đạt gần 852 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tú đánh giá, mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp – thủy sàn chủ động đổi mới hoạt động, tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ xã viên ứng dụng khoa học nông nghiệp vào sản xuất, thực hiện quy trình canh tác theo VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hướng hữu cơ; liên kết doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa…

Nhiều hợp tác xã phát huy sản phẩm truyền thống đặc thù vùng, miền gắn với chương trình OCOP và kết hợp du lịch nông thôn hoặc đầy mạnh liên kết doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn, tạo vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu, nông dân an tâm ổn định sản xuất và đời sống.

Toàn tỉnh có 41 hợp tác xã chuyên canh cây ăn quả đặc sản của địa phương liên kết doanh nghiệp, các siêu thị, các đối tác tại các chợ đầu mối phục vụ thị trường trong nước hoặc xuất khẩu, giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa, các thành viên an tâm đẩy mạnh sản xuất. Nổi bật có các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A (Cái Bè), Hợp tác xã Vĩnh Kim (Châu Thành), Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy),….

Hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản tại Tiền Giang đổi mới hoạt động hiệu quả ảnh 1Sơ chế, phân loại rau màu tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Hàng năm, các hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang còn liên kết với doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn lên hàng chục ngàn ha, được bao tiêu với năng suất đạt từ 57 - 62 tạ/ha/vụ gắn với chuyền giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc” 4 đúng” hoặc tiêu chí GAP nhằm nâng chất lượng hạt lúa hàng hóa, giải quyết đầu ra nông sản.

Đi đầu có các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh, Mỹ Quới (Cái Bè); Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy), Bình Nhì (Gò Công Tây), Tăng Hòa (Gò Công Đông),…

Hợp tác xã nông nghiệp – thương mại – dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công), Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Thạnh (Gò Công Tây) … chuyển giao quy trình trồng rau an toàn theo tiêu chí VietGAP đồng thời liên kết với các siêu thị, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh theo mô hình chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa. Trung bình mỗi hợp tác xã cung ứng thị trường từ 4 đến 6 tấn rau/ ngày với gần 40 chủng loại rau các loại.

Hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản tại Tiền Giang đổi mới hoạt động hiệu quả ảnh 2Chăm sóc rau màu ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công hướng xã viên chăn nuôi gia cầm an toàn theo tiêu chí VietGAP, xây dựng thương hiệu Gà ta Gò Công, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thịt gà ta; có nhiều sản phẩm đạt OCOP như: thịt gà ta đóng gói đạt OCOP 4 sao; các sản phẩm thịt gà chà bông, khô gà cay đạt OCOP 3 sao…

Nhiều năm nay, đơn vị liên kết với Công ty San Hà (TP Hồ Chí Minh) cung cấp mỗi ngày 1 tấn thịt gà ta Gò Công, nhờ chăn nuôi gia cầm an toàn VietGAP theo mô hình chuỗi giá trị, 100% hộ xã viên vượt khó, thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.

Hợp tác xã Thiên Phúc (Chợ Gạo) xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP 245 ha, được cấp mã số vùng trồng xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Thiên Phúc Nguyễn Mạnh Tường, ngoài thanh long, hợp tác xã còn hướng đến đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật canh tác hướng hữu cơ, cung ứng vật tư nông nghiệp…giúp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả canh tác và đưa hợp tác xã phát triển bền vững.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam nhận xét mạng lưới hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản vẫn còn những hạn chế nhất định như quy mô sản xuất đa phần manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập xã viên còn thấp. Nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được mô hình liên kết chuỗi giá trị bền vững, việc ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế, chưa xây dựng được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn,…

Nhằm giúp các hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động, Tiền Giang tiếp tục đầy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò hợp tác xã kiểu mới trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân bên cạnh triển khai đồng bộ Chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025.

Hiện có 6 hợp tác xã được vay gần 11,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Đầu tư và Phát triển thông qua 11 dự án, 2 hợp tác xã vay gần 2,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương, 5 hợp tác xã thuê gần 1.400 m2 đất xây dựng văn phòng, nhà xưởng, kho bãi sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú cho biết, trên cơ sở phối hợp liên ngành giữa ngành nông nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tuyên truyền, tập huấn cán bộ hợp tác xã nhằm nâng cao nguồn nhân lực, hỗ trợ hợp tác xã nâng cao kỹ năng quản lý, năng lực sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, tư vấn hỗ trợ hợp tác xã đăng ký thông tin, xúc tiến thương mại, đăng ký mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đạt chứng nhận OCOP...

Đồng thời, có các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giúp nâng cao năng lực chế biến, bảo quản sản phẩm, đảm bảo hạ tầng logistics đồng bộ trong vùng sản xuất của các hợp tác xã cũng như xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường.

Hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản tại Tiền Giang đổi mới hoạt động hiệu quả ảnh 3Một trang trại nuôi dê ở Tổ hợp tác chăn nuôi dê lai thương phẩm xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Tỉnh nhân rộng những mô hình hợp tác xã hiệu quả, khuyến khích liên kết chuỗi giá trị giải quyết đầu vào và đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa. Ngoài ra, tích cực hỗ trợ hợp tác xã đào tạo nghề nông nghiệp - nông thôn, sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Năm 2023, có thêm ít nhất 5 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực địa phương; 75 – 85% cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã được đào tạo các kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển của các hợp tác xã; 100% thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và cán bộ, đảng viên, người dân được tuyên truyền các chính sách phát triển kinh tế hợp tác.

Đồng thời, doanh thu bình quân các hợp tác xã nông nghiệp – thủy sản tăng thêm 5%, lợi nhuận bình quân mỗi hợp tác xã đạt 415 triệu đồng, tăng 5% so với năm 2022 và số hợp tác xã khá, giỏi đạt 70%.


Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm