Hợp tác Việt-Bỉ bảo tồn giống gà bản địa

Gà Hồ được nuôi tại một hộ gia đình ở thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: Quế Ánh -TTXVN
Gà Hồ được nuôi tại một hộ gia đình ở thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: Quế Ánh -TTXVN

Chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam giữ vị trí khá quan trong trong cung cấp nguồn thực phẩm (thịt, trứng) cho xã hội đồng thời cũng góp phần vào việc cải thiện điều kiện kinh tế cho các hộ nông dân. Tuy nhiên, hiện nay các giống gà nội đang có nguy cơ kém phát triển, thậm chí một số giống có nguy cơ bị mất do khả năng cạnh tranh hạn chế so với các giống gà cao sản hay gà công nghiệp.

Hợp tác Việt-Bỉ bảo tồn giống gà bản địa ảnh 1

Anh Lê Quang Thắng, Chủ tịch HTX chăn nuôi gà Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên, và một chú gà Đông Tảo bản địa. Ảnh: Quế Ánh - TTXVN

Từ năm 1998 đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với các trường đại học khối Pháp ngữ của Bỉ về tăng cường năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Một trong các dự án được triển khai là chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển giống gà bản địa của Việt Nam, trong đó có giống gà Hồ và gà Đông Tảo.

Khoa chăn nuôi thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Khoa Thú y Đại học Liège (Bỉ) là hai đơn vị thực hiện dự án về bảo tồn, khai thác và phát triển giống gà bản địa của Việt Nam. Tại Khoa chăn nuôi, các cán bộ nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu các giống gà bản địa để xác định cấu trúc di truyền phân tử. Sau đó, các mẫu này được gửi sang Khoa thú y Đại học Liège để phân tích bằng kỹ thuật SNP nhằm tìm ra đặc điểm di truyền của các giống gà này.

Theo GSTS Vũ Đình Tôn, phụ trách dự án, Dự án Việt-Bỉ về bảo tồn giống gà bản địa của Việt Nam được thực hiện từ hơn 20 năm nay. Phía Bỉ hỗ trợ Học viện Nông nghiệp về tài chính và đào tạo. Nhiều cán bộ trẻ của Học viện được nhận học bổng của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp sang thực tập tại các trường đại học của Bỉ trong lĩnh vực này. Các nghiên cứu đều tập trung cải thiện chất lượng giống và hiệu suất sinh sản của gà Hồ và gà Đông Tảo. Học viện đã hợp tác với nông dân để chọn lựa ra giống gà thuần chủng.

Hợp tác Việt-Bỉ bảo tồn giống gà bản địa ảnh 2Gà Hồ được nuôi tại một hộ gia đình ở thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: Quế Ánh -TTXVN

Hiện nay, dự án đang hỗ trợ nông dân thị trấn Hồ, (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) phát triển hai giống gà bản địa của địa phương. Các hộ gia đình tham gia dự án được cán bộ Học viện tập huấn về các kỹ thuật xây dựng gia đình gà, kỹ thuật nuôi dưỡng, chọn lọc gà, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà. Bên cạnh đó, cán bộ dự án còn định hướng và hỗ trợ các địa phương xây dựng Hội chăn nuôi và Hợp tác xã chăn nuôi gà. Hợp tác xã chăn nuôi gà Đông Tảo đã được thành lập năm 2016 với 16 thành viên đều là những hộ chăn nuôi có kinh nghệm, tâm huyết với nghề nuôi gà của địa phương.

Ông Nguyễn Đăng Chung, chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), người có nhiều kinh nghiệm nuôi gà Hồ tâm sự : trước đây, nông dân trong vùng thường chăn nuôi theo kiểu bầy đàn, năng suất không cao, vật nuôi dễ nhiễm bệnh, chết. Sau khi được sự hỗ trợ của dự án, các hộ đã biết cách phân chia gia đình gà trong một khu chăn nuôi, mỗi gia đình gồm 5 mái và 1 trống. Điều này tránh sinh sản cận huyết, tạo ra những con giống thuần chủng.

Đến thăm gia đình ông Dương Thành Chung, một hộ nuôi gà Hồ tại huyện Thuận Thành, chúng tôi vô cùng thích thú ngắm nhìn trang trại 300 con gà, trong đó 60 con mái sinh sản. Ông Chung cho biết, thông qua dự án Việt-Bỉ, ông và các hộ nông dân khác được học cách tiếp cận nguồn thức ăn, được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật để phát triển con giống.

Mô hình hợp tác Việt - Bỉ trong nghiên cứu giống gà bản địa đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Gà Hồ và gà Đông Tảo đã khẳng định thương hiệu và được cung cấp cho thị trường cả nước.

Hy vọng, hợp tác nông nghiệp giữa Học viên Nông nghiệp Việt Nam và các đối tác Bỉ sẽ tiếp tục phát triển để góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi chất lượng cao ở Việt Nam.

Quế Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm