Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả hợp tác vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ giai đoạn 2011-2016, thông qua Kế hoạch điều phối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ giai đoạn 2017-2020 và bàn các giải pháp nhằm đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả hợp tác trong vùng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Phan Ngọc Đức - TTXVN |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ bao gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, với vị trí, vai trò là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có ý nghĩa rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Ông Nguyễn Đức Long- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phan Ngọc Đức - TTXVN |
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ được tăng cường và có những bước phát triển mới. Các địa phương trong vùng có một số lợi thế: như về vị trí địa lý, 7 tỉnh thành tạo thành một trục phát triển men theo bờ biển, thuận lợi về giao thông; lợi thế về trình độ xếp thứ hạng cao so với cả nước, trong đó Hà Nội là đầu não về phát triển kinh tế, Hải Phòng thì có lịch sử phát triển lâu đời, là cửa ngõ thông ra biển Đông, các địa phương còn lại đều năng động. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng được đầu tư đáng kể, nhất là hạ tầng giao thông; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khác cũng đang phát triển so với các vùng khác. Nguồn nhân lực của Vùng cũng được đánh giá có trình độ cao, được đào tạo tốt, và nhiều lợi thế khác...
Lãnh đạo 7 tỉnh trong vùng ký kết Kế hoạch điều phối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ giai đoạn 2017-2020, và biên bản hợp tác phát triển hợp tác giữa các tỉnh thành phố... Ảnh: Phan Ngọc Đức - TTXVN |
Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng thẳng thắn thừa nhận sự liên kết của các địa phương trong vùng còn rời rạc, tính liên kết chưa cao; chưa có sự phát triển đột phá...Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa có cơ chế điều phối liên kết rõ ràng giữa các địa phương trong vùng; không có bộ máy hành chính cấp vùng; chưa có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau; thiếu quy hoạch phát triển vùng mang tầm chiến lược... Từng bộ, ngành, địa phương còn lập những quy hoạch riêng lẻ, quy hoạch cũng chưa xách định được thế mạnh các địa phương, các ngành...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn (ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị. Ảnh: Phan Ngọc Đức - TTXVN |
Để khắc phục được những khó khăn trên, các nhà chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ Trung ương, sự đồng thuận giữa các địa phương...; chú trọng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với giám sát thực hiện, xác định nhiệm vụ của từng địa phương; tăng cường thẩm quyền của tư lệnh Hội đồng vùng, hoàn thiện thể chế vùng, trao quyền cho các vùng kinh tế trong điểm. Các địa phương cần cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các hoạt động liên kết, cần có quy hoạch mang tầm chiến lược, có giải pháp tổng thể của toàn vùng với sự tham gia tích cực của các địa phương trong vùng; cần có cơ chế, chính sách riêng với một số chính sách vượt trội hơn so với các vùng trong cả nước, có tính cạnh tranh so với thế giới và khu vực; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển vùng; phải có tư duy vùng...
Ký kết biên bản giữa 15 tỉnh thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Phan Ngọc Đức - TTXVN |
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, lượng thông thương qua các cảng biển, hàng không, vận tải đường bộ của các địa phương trong vùng đều chiếm tỉ trọng cao so với các khu vực khác, đầu tư cũng cao hơn tất cả các vùng khác. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng thời gian qua có nhiều thay đổi, đường cao tốc giúp rút ngắn hành trình đi lại rất nhiều. Tuy nhiên nhiều bất cập giao thông vận tải đã tác động đến liên kết vùng, trong đó kết nối hạ tầng còn hạn chế; đường sắt trong khu vực chưa phát triển, còn manh mún trong bố trí nguồn lực, nhận thức về đầu tư hạ tầng cũng chưa rõ ràng giữa việc Nhà nước làm gì, xã hội hóa những gì. Trong thời gian tới cần phát triển hạ tầng mang tính liên kết hơn, phát triển vành đai 4, 5, đường sắt nhẹ để giảm tải cho Hà Nội... Đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng cho biết, xuất nhập khẩu hàng hóa tại địa phương gặp nhiều khó khăn, tình trạng quá tải, đường xuống cấp diễn ra nhiều nơi... TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, dự báo xu thế thị trường thế giới, phối hợp với các địa phương trong các mục tiêu phát triển; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông; các địa phương cùng xác định rõ quyết tâm chính trị cùng thực hiện, thống nhất phân công hợp tác, tăng cường phối hợp liên tỉnh nâng cấp hạ tầng địa bàn từng tỉnh...
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Phan Ngọc Đức - TTXVN |
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch vùng nhiệm kỳ qua, ghi nhận nhiều ý kiến gợi mở các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2016-2020, tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương...; những kết qủa từ Hội nghị sẽ góp phần mở ra cơ hội mới, thành tựu mới, trong đó sự thống nhất của 7 thành viên trong kế hoạch tiếp theo và bầu Chủ tịch TP. Hải Phòng là Chủ tịch vùng giai đoạn 2017-2018 là bước đệm bứt phá vùng thời gian tới. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị các tỉnh, thành phố cần sớm đưa các nội dung trong Biên bản ký kết thành các nhiệm vụ cụ thể để phát huy thế mạnh từng địa phương...
Cũng tại Hội nghị, với phương thức biểu quyết theo đa số, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng được 100% thành viên nhất trí bầu làm Chủ tịch vùng nhiệm kỳ 2017-2018.