Hội tụ niềm tin về chính sách dân tộc trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II

Đại biểu Sô Thị Lý (người Chăm Hroi), Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, huyện Sơn Hóa, Phú Yên. Ảnh: Hoàng Tâm
Đại biểu Sô Thị Lý (người Chăm Hroi), Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, huyện Sơn Hóa, Phú Yên. Ảnh: Hoàng Tâm

Ngày 4/12/2020 sẽ diễn ra phiên chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 có chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng,đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Các đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số tiêu biểu đã tụ hội về Thủ đô Hà Nội và sẵn sàng tâm thế vui mừng, phấn khởi để đón chờ một kỳ đại hội thành công.

Tất cả các ý kiến từ các đại biểu mà phóng viên Báo ảnh Dân tộc và Miền núi ghi nhận được đều toát lên hy vọng từ đại hội này, các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các dân tộc thiểu số sẽ ngày càng phát huy hiệu quả mạnh mẽ, giúp đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và các chủ trương, chính sách của Nhà nước.  .

Hội tụ niềm tin về chính sách dân tộc trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II ảnh 1Đại biểu K'Tâm (dân tộc Mạ) đến từ huyện Tân Phú, Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Tâm 

Đại biểu K’Tâm (dân tộc Mạ) là chuyên viên phòng Dân tộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều thành tích trong công tác Đoàn đội. Anh đã tập hợp được nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số trong các hoạt động tại địa phương. Anh K’Tâm cho biết: Muốn tập hợp được mọi người thì bản thân phải thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều mặt tốt. Là cán bộ làm công tác dân tộc, K’Tâm luôn cố gắng lắng nghe nguyện vọng của người dân và tìm cách chuyển tải những chủ trương, chính sách của Nhà nước đến từng người dân để họ thoát khỏi tư tưởng ỷ lại và biết tìm tòi những cách làm ăn hiệu quả. Các chính sách ưu việt của Nhà nước đến với người dân đã phần nào phát huy hiệu quả và được người dân đón nhận tích cực. Đến với Đại hội, là một đại biểu trẻ, K’Tâm mong muốn các cấp chính quyền sẽ quan tâm, tạo điều kiện và triển khai các chính sách cụ thể, đúng đối tượng và đồng bộ hơn cho từng khu vực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội tụ niềm tin về chính sách dân tộc trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II ảnh 2Đại biểu Sô Thị Lý (người Chăm Hroi), Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, huyện Sơn Hóa, Phú Yên. Ảnh: Hoàng Tâm 

Đại biểu Sô Thị Lý (người Chăm Hroi) đến từ tỉnh Phú Yên rất vui mừng và tự hào được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ 2. Đại biểu Sô Thị Lý chia sẻ: Đến với Đại hội được chia sẻ nhiều kinh nghiệm, được giao lưu và biết được nhiều phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở phía Bắc. Đại biểu Sô Thị Lý mong muốn thời gian tới, bản sắc văn hóa của dân tộc sẽ được quan tâm nhiều hơn, các chính sách phát huy được hiệu quả nhiều hơn, xóa bỏ các hủ tục để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Hội tụ niềm tin về chính sách dân tộc trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II ảnh 3Đại biểu Néang Kim Cheng (dân tộc Khmer), Chủ tịch Hội khuyến học huyện Tri Tôn, An  Giang. Ảnh: Hoàng Tâm 

Đại biểu Néang Kim Cheng (dân tộc Khmer), Chủ tịch Hội khuyến học huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cũng rất vui mừng, phấn khởi được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Đại biểu Néang Kim Cheng hiện đang làm công tác khuyến học, gây dựng nguồn quỹ để giúp đỡ cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, từ đó tiếp bước cho các em được học hành đến nơi đến chốn nâng cao trình độ và thoát cảnh nghèo khó. Đến với Đại hội, đại biểu kỳ vọng về phía Quốc hội, Chính phủ có những chính sách quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tri Tôn nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, đại biểu mong muốn được lắng nghe những quyết sách, những chủ tương chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc để từ đó giúp cho đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có những phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa,…

Những ước nguyện trên của các đại biểu về dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II cũng chính là của hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam với quyết tâm thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, kinh trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm