Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường

Ghé thăm điểm Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông - một "ốc đảo" giữa mênh mông nước của xã biên giới Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) một ngày cuối tháng 10, mới thấy hết sự khó khăn, vất vả của các em học sinh nơi đây trên hành trình tìm con chữ.

* Chòng chành đường đến trường

Mới hơn 5 giờ 30 phút, chúng tôi theo chân anh Trần Văn Hiền - dân quân tự vệ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự xã Vĩnh Hội Đông lên chiếc vỏ lãi cũ kỹ đi đón các em học sinh Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông có nhà ở ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An, trước giờ vào lớp buổi sáng. Giữa mênh mông nước lũ, chỉ có tiếng máy nổ lạch tạch từ động cơ đã hoen gỉ của chiếc vỏ lãi anh Hiền đang cầm lái. Trời biên giới mùa này rất dễ chuyển mưa, xung quanh một màu xám xịt, xa xa là mấy chiếc thuyền đánh cá đang chạy vội về cho kịp phiên chợ sáng.

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường ảnh 1Mùa lũ, tất cả nhà của bà con ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, dọc theo kênh Ngọn Cả Hàng đều bị nước lũ chia cắt, mọi sinh hoạt và đi lại phải dùng thuyền hoặc vỏ lãi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Hai ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An của xã Vĩnh Hội Đông nằm dọc theo tuyến kênh Ngọn Cả Hàng, có hơn 10 học sinh của Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông. Nhà các em nằm ở những điểm bị nước lũ chia cắt khá sâu, mọi sinh hoạt, di chuyển đều bằng xuồng hoặc vỏ lãi nên anh Hiền phải điều khiển chiếc vỏ lãi vào tận nhà để rước các em cho an toàn. Thấy chiếc vỏ lãi chúng tôi đang cập bến trước nhà, chị Nguyễn Thị Chi, ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông đon đả nhắc con mặc áo phao, lên vỏ lãi đến trường cho kịp giờ học.

Chị Chi cho biết, bình thường, tụi nhỏ tự chạy xe đạp đi học. Nhưng cả tháng nay, nước lũ về (mùa nước nổi theo cách gọi của người dân miền Tây), ngập mấy đoạn đường liên xã, chỉ có thể đi lại bằng xuồng ghe và võ lãi. Gia cảnh khó khăn, vợ chồng lo làm ăn kiếm sống, nước lũ lên cao không dám cho con đi học một mình. Nhờ có mấy chú ở xã đội đưa rước, bà con ở đây rất yên tâm và biết ơn nhiều lắm.

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường ảnh 2Học sinh huyện An Phú ngày ngày vượt lũ tới trường. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Mỗi ngày 4 chuyến đi về, em Nguyễn Thị Kim Hương (con chị Chi) học sinh lớp 5 Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông đều được các chú dân quân thuộc Ban Chỉ huy Quân sự xã Vĩnh Hội Đông đưa, đón.

"Đường từ nhà đến trường bị nước ngập hết, em không thể đến trường bằng xe đạp. Bố mẹ bận đi làm, nên em rất sợ phải nghỉ học. Những ngày đầu, em xin quá giang võ lãi của người quen để đến trường, nhưng từ khi được nhà trường và các chú ở xã tổ chức dùng vỏ lãi đưa học sinh đến trường em thấy rất vui, không bữa nào bị trễ học" - em Hương tâm sự.

Cứ thế, chiếc vỏ lãi của anh Hiền lại tách bến, chạy đến các nhà học sinh khác… Phải mất hơn 30 phút, hết chạy máy rồi chèo tay, anh Hiền cùng chúng tôi mới hoàn thành việc rước nhóm học sinh đầu tiên đến trường. Vỏ lãi vừa cập bến, các em khẩn trương cởi áo phao xếp lại ngay ngắn ở mũi vỏ lãi để anh Hiền đi đón tiếp nhóm bạn khác.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 6 giờ 30 phút - trước giờ học buổi sáng, dưới bến sông trước cổng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông đã có 3 chiếc vỏ lãi đưa các em học sinh từ nhà đến trường. Chưa kể, một số võ lãi của các phụ huynh nhà gần đó cũng tự con đến trường nhằm đảm bảo an toàn.

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường ảnh 3Dù nhà gần, nhưng xuống vỏ lãi (xuồng composite) là phụ huynh và các em học sinh tự giác mặc áo phao trước khi võ lãi di chuyển nhằm bảo đảm an toàn. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Tan học giờ học buổi sáng, không cần thầy cô giáo nhắc nhở, các em học sinh tự giác mặc áo phao, nhiều em đã mặc áo phao ngay tại lớp trước khi xuống vỏ lãi.

Theo danh sách (nhà trường đã phân loại theo các tuyến kênh), các em học sinh cẩn thận bước xuống những chiếc vỏ lãi đã đợi sẵn ở bến sông. Sau khi ổn định và kiểm tra lại số lượng đúng như danh sách, các anh xã đội nổ máy, đưa các em học sinh về tận nhà và hoàn toàn miễn phí.

Thầy Hà Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông cho biết, năm nay trường có 64/514 em trong tổng số học sinh sống trong vùng bị nước lũ chia cắt, phần đông các em ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An, dọc theo kênh Ngọn Cả Hàng tiếp giáp thành phố Châu Đốc. Những điểm này có nơi nước ngập sâu gần 2m nên các em không thể tự mình đến trường bằng xe đạp được.

Hơn nữa, Vĩnh Hội Đông là xã vùng sâu biên giới nên đa số gia đình của các em học sinh đều làm nghề thả câu, giăng lưới, làm thuê nên việc tự đưa đón con em đi học hàng ngày gặp nhiều trở ngại. Vì thế, ngay từ đầu năm học, trường đã chủ động phối hợp với UBND xã Vĩnh Hội Đông tổ chức 3 tuyến đón rước 64 em học sinh đến trường an toàn.

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường ảnh 4Những nhà dân gần trường học, có điều kiện hơn, phụ huynh tự đưa đón con đi học mỗi ngày bằng vỏ lãi (xuồng composite) nhằm bảo đảm an toàn. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

"Năm nay, nhờ một số đoạn đường được nâng cấp, nên số lượng học sinh cần đưa rước giảm hẳn. Mọi năm vào thời điểm này, khoảng 50% học sinh của trường bị gián đoạn việc đi lại" - thầy Hà Minh Phương bộc bạch.

Gần 11 giờ trưa, chiếc vỏ lãi của anh Hiền lại tiếp tục nổ máy đưa các em học sinh từ cổng Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông ra sông lớn rồi chạy xuôi về tuyến kênh Ngọn Cả Hàng. Lũ lớn, nước chảy mạnh, chiếc vỏ lãi lắc lư, chòng chành theo sóng nước, các em học sinh như đã quen với cảnh này nên không hề sợ mà chỉ ngồi im, tay bám chặt vào thân võ lãi. Trên sông lớn, thấp thoáng nhiều xuồng nhỏ chở phụ huynh và học sinh chao nghiêng khi có tàu ghe lớn chạy qua.

Con kênh Ngọn Cả Hàng ngày thường nước lấp xấp nay lũ về nước dâng cao phủ ngập không còn phân biệt đâu tuyến đường làng ngày thường người dân hay qua lại. Những cây còng, cây dừa, bụi tre đứng ngâm mình trong nước, những căn nhà sàn ngày thường xây rất cao nay sàn nhà đã mấp mé mặt nước lũ.

* Vì sự an toàn của học sinh

Anh Trần Văn Hiền - dân quân tự vệ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự xã Vĩnh Hội Đông cho biết, anh gắn bó với việc đưa, rước các em học sinh Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông từ nhà đến trường vào mùa lũ nhiều năm rồi.

Mỗi năm, có gần 3 tháng mùa lũ - đó cũng là khoảng thời gian anh Hiền đồng hành với các em học sinh mỗi ngày ít là 2 lần, nhiều thì 4 lần từ nhà đến trường và ngược lại, với mong muốn đưa các em học sinh đến trường an toàn và không phải nghỉ học vì lũ.

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường ảnh 5Các em học sinh Trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An, dọc theo kênh Ngọn Cả Hàng được các chiến sĩ Dân quân tự vệ xã Vĩnh Hội Đông lái vỏ lãi (xuồng composite) đưa đến trường an toàn mỗi ngày. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Theo ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, năm nay lũ về sớm, mực nước cao và kéo dài hơn năm 2019 (năm 2020 và 2021 lũ nhỏ), ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi học của 64 học sinh trên địa bàn xã, chủ yếu là các em học sinh Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông.

Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong mùa mưa lũ, ngày thời điểm nghỉ hè, Đoàn thanh niên xã phối hợp với Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông tổ chức dạy bơi và cũng như các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho các em học sinh.

Bên cạnh đó, UBND xã đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức đưa đón các em đi học vào mũ lũ. Ban Chỉ huy Quân sự xã phối hợp với những hộ dân có phương tiện (UBND xã hỗ trợ tiền xăng) chia làm 3 tuyến đưa đón các em theo khi nước lũ về; trong đó, tuyến gần nhất khoảng 1km và xa nhất là 3km. Những khu vực gần, người dân tự chủ động đưa các em đến trường, nhưng phải đảm bảo an toàn, nhất là vào những ngày mưa lớn.

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường ảnh 6Các em học sinh Trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An, dọc theo kênh Ngọn Cả Hàng được các chiến sĩ Dân quân tự vệ xã Vĩnh Hội Đông lái vỏ lãi (xuồng composite) đưa về nhà an toàn mỗi ngày. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

"Trong điều kiện bị ngập lũ kéo dài, nếu không tổ chức đưa rước các em đến trường thì khó đảm bảo an toàn, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng học sinh bỏ học"- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông Huỳnh Công Phương khẳng định.

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, là địa bàn đầu nguồn vùng lũ của tỉnh An Giang nên nhiều năm qua, huyện luôn có "kịch bản" cho những năm lũ nhỏ, lũ lớn. Năm nay, lũ về sớm, mực nước cao và kéo dài hơn.

Qua thống kê trên toàn huyện có gần 200 em học sinh được UBND xã và nhà trường tổ chức đưa đón vào mùa lũ, chủ yếu ở các xã Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Hậu, Phú Hữu, Vĩnh Lộc. Số học sinh này chưa gồm số học sinh hàng ngày di chuyển qua sông bằng đò.

Ngay từ đầu năm học, UBND huyện An Phú đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các trường lập danh sách học sinh trong vùng ngập lũ sau đó bố trí lực lượng chạy xuồng hoặc võ lãi đến tận nhà đưa đón các em đến trường, không để các em bị gián đoạn việc học vì bị lũ chia cắt.

Học sinh vùng biên giới An Giang vượt lũ đến trường ảnh 7Anh Trần Văn Hiền, chiến sĩ Dân quân tự vệ xã Vĩnh Hội Đông lái vỏ lãi (xuồng composite) đưa về các em học sinh về tận nhà. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Ngoài việc tổ chức đưa đón các em học sinh đến trường khi các tuyến đường dân sinh bị ngập, UBND huyện An Phú còn chủ động lập kế hoạch bố trí các điểm giữ trẻ miễn phí mùa lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu, giúp bà con yên tâm lao động mưu sinh.

Dự báo, lũ còn kéo dài đến giữa tháng 11 tới, để có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên đến trường, Chủ tịch UBND huyện An Phú yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát ở các khu vực thấp trũng, có nguy cơ bị lũ chia cắt. Đồng thời, phối hợp với UBND, Ban Chỉ huy Quân sự các xã và nhà trường chủ động các phương án đưa, đón học sinh và giáo viên đến trường bằng phương tiện an toàn, thuận lợi nhất.

Công Mạo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm