Năm 2021, nhờ tập trung phát triển kinh tế, đời sống đồng bào dân tộc ở các bản làng vùng cao huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã được cải thiện rõ rệt. Đồng bào háo hức, tươi vui chào đón xuân mới với niềm tin và ước vọng vào một cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc…
Với khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, đồng bào dân tộc ở xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì trồng rau an toàn không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà còn sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Chiến
Ông Thèn Ngọc Minh, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì cho biết, để phát triển kinh tế, huyện đã sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì lần thứ 21 với 3 đột phá: Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và hạ tầng du lịch; nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho đồng bào, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Chủ trương cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để giảm nghèo bền vững đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào trong huyện. Gia đình anh Lơi Kháy Mìn, thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì có 1.500 mét vuông đất vườn quanh nhà, trước do thiếu nước nên một phần diện tích chỉ trồng lúa một vụ, phần còn lại trồng rau, cho thu nhập thấp. Thông qua chương trình cải tạo vườn tạp của tỉnh, gia đình anh Mìn được vay vốn cải tạo vườn, dẫn nước tưới trồng rau, hiệu quả kinh tế hiện nay cao hơn nhiều so với trồng lúa và rau trước đó.
Thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng bào giờ đây mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Bà Thèn Thị Trích ở thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang cho biết: “Là hội viên Hội phụ nữ thị trấn Vinh Quang, với sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình tôi đã nuôi lợn, bò, có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Từ hộ nghèo, gia đình tôi giờ đã trở thành hộ khá giả trong thôn”. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng đã tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận với các chính sách của Nhà nước. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Hoàng Su Phì giảm 3,52% so với đầu năm 2021.
Một mùa xuân mới lại về, mùa xuân của sự ấm no hạnh phúc, mùa xuân của hy vọng khi ý thức của đồng bào các dân tộc vùng cao Hoàng Su Phì đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Chiến