Mới đây, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thay thế Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Hà Giang, tiếp tục hỗ trợ, động viên bà con ở các thôn bản đặc biệt khó khăn trước thềm xuân mới.
Từ yêu cầu thực tế
Gia đình bà Triệu Mùi Lai, thôn Tân Thành, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có 4 thành viên, trong đó 2 lao động chính, còn lại là người già và trẻ em. Bà Lai cho biết, bản thân đã có tuổi, sức lại yếu, chỉ làm việc nhà, còn cháu gái đang học cấp 2. Thu nhập của gia đình đều trông chờ vào việc trồng ngô, trồng lúa và cũng chỉ đủ ăn, có năm còn thiếu đói khi giáp hạt.
Từ tháng 12/2020, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, cũng là lúc gia đình thêm gánh nặng lo toan cho việc ăn học của cô cháu gái. “Cháu Phượng Mùi Moang hiện là học sinh lớp 6, trước đó cháu được nhà nước hỗ trợ học phí và được ăn trưa miễn phí tại nhà trường. Từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, cháu không còn được hỗ trợ nữa. Gia đình rất khó khăn, nếu không được hưởng chế độ, chính sách, có lẽ con bé phải nghỉ học” – bà Lai chia sẻ.
Bí thư xã Hồ Thầu, Phượng Chàn Nu cho biết, để đạt chuẩn nông thôn mới là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã. Tuy nhiên, sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, các xã, thôn đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, không còn được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ nữa.
Tương tự, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có điểm xuất phát thấp, thuộc huyện khó khăn nhất cả nước, nhưng lại là xã đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Xã Pả Vi có 6 thôn, trong đó có 4 thôn vùng cao, địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, người dân không còn được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội như trước đây nên gặp phải một số khó khăn.
“Thực tế khi xã đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân được hưởng lợi rất nhiều từ chương trình này, hiện nay có hơn 95% dân số của xã được sử dụng điện lưới quốc gia, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện tại, xã đã có đường giao thông bê tông hóa vào đến tận các thôn, nhóm hộ gia đình, trường học được đầu tư khang trang. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, các thôn vùng cao còn nhiều hộ gia đình rất khó khăn” – Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi Lê Văn Quý chia sẻ.
Sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa với việc xã thoát khỏi danh sách đặc biệt khó khăn, một số chế độ, chính sách hỗ trợ người dân về y tế, giáo dục,… bị cắt giảm từ tháng 7/2021. Do đó, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã thuộc huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã và đang chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, rất tâm tư.
Chính sách kịp thời tạo động lực mới cho người dân
Trước những yêu cầu từ thực tế, nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số đang còn khó khăn, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định 621/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thay thế Quyết định 433/QĐ-UBDT, đã kịp thời hỗ trợ người dân các thôn đặc biệt khó khăn tại các xã ra khỏi vùng III (vùng đặc biệt khó khăn). Quyết định 621 ra đời từ nhu cầu thực tế trong quá trình triển khai Quyết định 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Bí thư xã Hồ Thầu Phượng Chàn Nu cho biết, do tác động của đại dịch COVID-19, giá cả các mặt hàng nông sản giảm, xuất khẩu lao động của địa phương cũng giảm. Năm 2019 có 360 lao động đi làm việc ngoại tỉnh, mang lại nguồn thu trên 23 tỷ đồng. Năm 2021, chỉ có khoảng 70 người đi lao động ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu chỉ gần 5 tỷ đồng. Tiêu chí thu nhập đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí hộ nghèo.
“Xã đang lập hồ sơ để cấp trên phê duyệt cho xã Tân Thành là xã đặc biệt khó khăn. Trong khi chờ đợi, đối với các em học sinh, chúng tôi đã huy động các nguồn lực xã hội hóa giúp các hộ gia đình khó khăn, hộ có con em đi học xa thì tạo điều kiện cho ở nhà sàn bán trú, khẩu phần ăn huy động xã hội hóa, cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các em ăn ở, học tập. Chính vì thế, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 99%” - Bí thư xã Hồ Thầu Phượng Chàn Nu chia sẻ.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi Lê Văn Qúy vui mừng khi 4 thôn vùng cao của xã đã được phê duyệt là thôn đặc biệt khó khăn. Việc Chính phủ và Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I và thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đã giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang có căn cứ để triển khai các chương trình, chính sách, đảm bảo đúng phạm vi, đối tượng.
Tuy nhiên, thực tế này cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều nơi vẫn nặng về hình thức, chạy theo thành tích, số lượng, mà chưa chú trọng đến chất lượng. Bộ mặt nông thôn có đổi mới, nhưng chưa thật sự bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự được nâng cao.
Bởi thế, khi chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ không còn thì địa phương gặp khó khăn để duy trì kết quả đã đạt được về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng chịu tác động, ảnh hưởng.
Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có 11 huyện, thành phố. Tổng dân số trên 87 vạn người, với 19 dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn mới là 42,08%, theo chuẩn cũ là 18,54%. Đến hết năm 2021, tỉnh Hà Giang có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguyễn Chiến