Hòa Bình sẽ liên kết trồng mới 300 ha cây gai xanh

Hòa Bình sẽ liên kết trồng mới 300 ha cây gai xanh

Ngày 10/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm trồng thử nghiệm cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình sẽ liên kết trồng mới 300 ha cây gai xanh ảnh 1 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lưu Trọng Đạt - TTXVN

Đến hết tháng 10/2022, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 259,9 ha, với sự tham gia trồng của 435 hộ trên địa bàn 6 huyện, thành phố (Đà Bắc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc, thành phố Hoà Bình); trong đó, huyện Đà Bắc và Mai Châu là hai địa phương có diện tích trồng nhiều nhất. Dự kiến kế hoạch năm 2023, doanh nghiệp thu mua, hợp tác xã và các đối tác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục liên kết trồng mới với quy mô khoảng 300 ha cây gai xanh.

Theo đánh giá ban đầu về tình hình trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt và khá đồng đều tại các địa phương. Đối với cây trồng mới, năng suất vỏ gai khô thu hoạch năm đầu tiên đạt từ 1,1 -2,1 tấn vỏ/ha, giá trị thu nhập đạt từ 45-85 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây trồng lưu gốc, cho năng suất thu hoạch từ 3- 3,6 tấn vỏ gai khô/ha/năm, giá trị thu nhập từ 120 – 145 triệu đồng/ha/năm. Giá trị thu hoạch này cho thu nhập cao hơn từ 2,5-4 lần so với trồng cây ngô, cây sắn trên cùng địa bàn.

Hòa Bình sẽ liên kết trồng mới 300 ha cây gai xanh ảnh 2Các đại biểu tham quan các sản phẩm sợi, vải làm từ cây Gai xanh. Ảnh: Lưu Trọng Đạt - TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, trong hai năm qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây gai xanh trên diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá.

"Đến nay, mô hình đã khẳng định được ưu thế như giúp cải tạo đất, tăng thu nhập cho người trồng; tạo nguồn phụ phẩm cho chăn nuôi... giá trị thể hiện rõ lợi thế so với các diện tích trồng sắn trước đây. Đặc biệt, trong bối cảnh bệnh khảm lá sắn vẫn đang phát sinh, diễn biến phức tạp thì việc chuyển đổi cây trồng là bắt buộc và trồng cây gai xanh là giải pháp hữu hiệu để cắt đứt nguồn bệnh phát triển kinh tế cho nông dân", ông Vương Đắc Hùng nhấn mạnh.

Qua các đánh giá ban đầu cho thấy, cây gai xanh phát triển tốt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, kỹ thuật trồng không phức tạp. Sản phẩm có liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã đảm bảo đầu ra, giá ổn định nên người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu trồng cây gai xanh khá cao gồm chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, máy tuốt vỏ có giá thành trên 40 triệu đồng/ha. Cây gai xanh cần đầu tư và thâm canh cao để cho năng suất tối ưu. Tuy nhiên, lượng phân bón và kỹ thuật bón phân của người sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tận dụng tốt được nguồn phụ phẩm sau thu hoạch để bổ sung lại dinh dưỡng cho đất.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, sơ chế cây gai xanh. Đa phần các hộ nông dân đều rất yên tâm sản xuất do được hỗ trợ vốn, giúp đỡ về cây giống, kỹ thuật trồng và canh tác cây; đồng thời, mong muốn tiếp tục có thêm chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh khắc phục những khó khăn trong khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu tham gia hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ kết luận, sau 2 năm triển khai, bước đầu cây gai xanh đã phát huy được giá trị đối với kinh tế người trồng trên địa bàn tỉnh, một số hộ dân đã có bước thay đổi và có thu nhập cao hơn so với trước đây.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng đã phê duyệt đề tài khoa học "Ứng dụng Khoa học công nghệ hoàn thiện quy trình trồng thâm canh, chế biến và phát triển cây gai xanh AP1 tại tỉnh Hòa Bình” bao gồm các nội dung nghiên cứu về mùa vụ; nền phân bón và kỹ thuật bón phân; thử nghiệm các công thức chế biến sản phẩm phụ (lõi thân, lá gai) thành phân bón và thức ăn chăn nuôi; chế biến và thử nghiệm thời gian, hình thức bảo quản tinh bột lá gai…

Hòa Bình yêu cầu, trong thời gian tới, chính quyền các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu bổ sung cây gai xanh vào cơ cấu cây trồng địa phương; mở rộng diện tích cây gai xanh tại những vùng phù hợp theo hướng trồng tập trung, không nhỏ lẻ phân tán và không xâm lấn vào các vùng đã quy hoạch cây trồng chủ lực khác.

Cùng với đó, tập trung vào các loại đất năng suất kém sang trồng cây gai xanh. Lồng ghép kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, máy móc phát triển cây gai xanh một cách phù hợp.

"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tiếp tục theo dõi đánh giá loại cây gai xanh trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Sở thực hiện đề tài nghiên cứu về cây gai xanh để xây dựng vùng trồng, xây dựng quy trình kỹ thuật phát triển bền vững cây gai xanh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình", Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Lưu Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm