Y tế biển đảo - huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiệu quả

Nhận thức về vai trò của hệ thống biển, đảo quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh quốc phòng, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có Quyết định số 658/QĐ-TTg, ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030. Trên cơ sở này, tỉnh Khánh Hòa triển khai, đẩy mạnh các hoạt động phát triển toàn diện tuyến y tế biển, đảo tại địa phương.

vna_potal_y_te_bien_dao_khanh_hoa_niem_tin_va_khat_vong_7746582.jpg
Người dân đến phân trạm y tế Ninh Đảo, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa khám bệnh. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế

Từ năm 2014, ngành Y tế đã triển khai Đề án phát triển y tế biển, đảo Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020. Nhờ đó, người dân sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Khánh Hòa đã cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho toàn bộ nhân dân sống tại các xã đảo gồm xã Cam Bình (thành phố Cam Ranh), Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang) và các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Cùng với đó là chính sách thanh toán bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế, hỗ trợ giá vận chuyển bệnh nhân phù hợp với điều kiện biển, đảo.

Đồng thời, tỉnh đã phát triển, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực y tế, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng ở các khu vực địa bàn ven biển, luân phiên làm nhiệm vụ trên các đảo; phát huy vai trò của bệnh viện tuyến huyện trong đào tạo, phát triển nhân lực cho tuyến xã. Địa phương thực hiện tốt các chính sách thu hút, đãi ngộ, phát triển nguồn nhân lực…

Theo ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đối với quân y Trường Sa, ngành Y đã cử cán bộ y tế ra đảo phối hợp với cán bộ quân y tại các xã đảo trực tiếp khám bệnh, cấp thuốc, điều trị cho người. Trong đó có bác sĩ chuyên khoa sản khám, điều trị và đỡ đẻ cho sản phụ tại đảo Song Tử Tây.

Ngoài ra, hệ thống y tế quân đội còn có các đội điều trị ở Cam Ranh và Bệnh viện Quân y 87 (tại thành phố Nha Trang) sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nặng. Đặc biệt, Bệnh viện Quân y 87 đã triển khai Khoa Y học Hải quân với nhiều máy oxy cao áp chuyên điều trị cho bệnh lý giảm áp do lặn sâu; sử dụng hệ thống Telemedicine để hội chẩn trực tiếp; sử dụng thủy phi cơ để vận chuyển các bệnh nhân nặng từ đảo về đất liền điều trị.

Bác sĩ Quách Hoàng Kiên, Phó Chủ nhiệm Khoa Y học Hải quân, Bệnh viện Quân y 87 cho biết, bệnh viện có trung tâm điều trị oxy cao áp lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ. Đội ngũ y, bác sĩ ở đây được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến oxy cao áp tại Viện Y học biển Việt Nam. Ở Khoa Y học Hải quân, bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu liên quan đến tai biến do lặn và một số bệnh lý khác liên quan dưới nước...

Khánh Hòa đã chi ngân sách địa phương để nâng cấp, cải tạo một số trạm, phân trạm y tế ở khu vực biển, đảo bị xuống cấp như các phân trạm Điệp Sơn, Đầm Môn, Ninh Tân (huyện Vạn Ninh); Bình Hưng (thành phố Cam Ranh)…

vna_potal_y_te_bien_dao_khanh_hoa_niem_tin_va_khat_vong_7746580.jpg
Quân y Trường Sa thăm khám cho bệnh nhân là các ngư dân gặp nạn trong quá trình lao động trên ngư trường Trường Sa. Ảnh: TTXVN

Đầu tư trang thiết bị y tế từng bước hiện đại, đồng bộ

Cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Với sự chung tay, góp sức “cả nước vì Trường Sa”, hiện nay, Trường Sa có 1 Trung tâm Y tế hiện đại, tương đương với trung tâm y tế cấp huyện trong đất liền.

Thời gian tới, ngoài các chương trình của Bộ Quốc phòng dành cho y tế trên huyện Trường Sa, Khánh Hòa tiếp tục đề xuất các hoạt động nhằm phát triển toàn diện hơn tuyến y tế tại đây. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, việc thành lập Trung tâm Y tế quân dân huyện đảo Trường Sa theo hướng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng II, để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân và cán bộ sinh sống trên huyện đảo là cần thiết. Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV để kịp thời xử lý các tình huống y tế khẩn cấp trên biển, đảo.

Với mục tiêu xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển, thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tuyển sinh và đưa cán bộ, viên chức giáo dục, y tế ra công tác tại các xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa giai đoạn 2023 - 2028.

Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển y tế biển, đảo trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, triển khai trong phạm vi các địa phương ven biển, đảo của tỉnh, gồm: thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, hai huyện Vạn Ninh, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đáp ứng cao nhất cho nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe quân và dân khu vực biển, đảo.

Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 100% trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế, các cơ sở Quân y vùng ven biển, đảo trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo; 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2. Địa phương đặt mục tiêu 100% tàu mặt nước thuộc Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hải đội dân quân thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế cho nhiệm vụ cấp cứu đầu tiên và thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển. Cùng với đó 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng y tế tại vùng biển, đảo.

Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ven biển, đảo và các ngành kinh tế biển. Tỉnh đầu tư kinh phí để Bệnh viện Quân y 87 (đóng tại thành phố Nha Trang) và Phòng Quân y Hải quân tổ chức huấn luyện cho các lực lượng đảm bảo y tế biển, đảo của địa phương về khả năng cơ động, cấp cứu trên biển; tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu thực tế trên phương tiện vận tải biển. Đồng thời sẵn sàng chi viện cấp cứu trên biển, đảo khi cần sự tăng cường về chuyên môn hoặc trong tình huống bị chia cắt. Địa phương nâng cao chất lượng công tác huấn luyện cấp cứu biển; đào tạo kiến thức y học đặc thù biển, đảo cho lực lượng Quân y thay phiên làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa và các tàu làm nhiệm vụ trên biển...

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan và ngành Y tế trong thực hiện Chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và công tác chăm sóc sức khỏe cho thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ công tác tại Trường Sa. Địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đảm bảo từng bước hiện đại, đồng bộ các tuyến; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và nhân viên ngành Y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khám, chữa bệnh… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe của người dân, trong đó có ngư dân sinh sống và hoạt động đánh bắt thủy sản ở huyện Trường Sa. (Hết)

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm