Năm 2024 là năm mang tính đột phá chiến lược của tỉnh Kon Tum, tạo khí thế và sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào năm cuối của nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, năm thứ hai liên tiếp, tỉnh Kon Tum có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.
Để đạt được kết quả đó, các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt, triệt để, không đùn đẩy, né tránh. Đặc biệt, sự quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang là “chìa khóa” để các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum thực hiện nhiệm vụ một cách trách nhiệm, hiệu quả hơn.
Tại Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, trước những nội dung chất vấn sát với tình hình thực tế của các cử tri, đại biểu, một số địa phương, sở, ban ngành của tỉnh Kon Tum đã bộc lộ những sự trì trệ, yếu kém trong xử lý công việc.
Điển hình trong đó là việc các đại biểu, cử tri chất vấn về công tác quản lý quy hoạch, cấp phép thành lập và quản lý hoạt động của các Trạm cân thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh. Đại biểu A Tuân (huyện Đăk Tô), vấn đề này đã được chất vấn từ Kỳ họp thứ 4 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhưng đến Kỳ họp thứ 8 (tức sau 2 năm) thì vấn đề trạm cân thu mua nông sản trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để. Các địa phương báo cáo về, cuối năm 2024, mới có 30/133 trạm cân nông sản vi phạm bị xử lý.
Trước vấn đề chất vấn của đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang yêu cầu các địa phương, Chánh Thanh tra tỉnh giải trình cụ thể nguyên nhân dẫn đến đến tình trạng xử lý chậm; những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong quá trình xử lý. Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cũng đặt câu hỏi, trong số các trạm cân vi phạm, có bao nhiêu trạm cân do người dân vi phạm, có bao nhiêu trạm cân do chính quyền vi phạm trong quá trình cấp phép?
Trước sự chất vấn của người đứng đầu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo thành phố Kon Tum và các địa phương có nhiều trạm cân nông sản trái phép như các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Đăk Tô đã thừa nhận việc để xảy ra tình trạng nhiều trạm cân trái phép trên địa bàn có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Qua đó, đưa ra các mốc thời gian cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum thẳng thắn thừa nhận, để xảy ra tình trạng trên, trước tiên trách nhiệm thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Ông Mân cũng cho biết, vấn đề trạm cân nông sản trái phép đã tồn tại nhiều năm, do một số trạm cân chỉ hoạt động trong mùa vụ, chứ không hoạt động theo diện liên tục.
“Hiện nay, thành phố đã xử lý được 9 trạm cân nông sản trái phép. Theo quy định của pháp luật, từ nay đến trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, còn 14 trạm cân vi phạm, Ủy ban nhân dân thành phố hứa với Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xử lý triệt để”, ông Nguyễn Thanh Mân khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 30 trạm cân nông sản, nhưng theo kết luận của Thanh tra tỉnh thì có tới 29 trạm cân vi phạm. Đến nay, địa phương đã hoàn thành tháo dỡ một trạm cân vi phạm, 5 trạm cân kết tháo dỡ rước 31/12, 13 trạm cân đủ điều kiện hoạt động thì huyện đang hướng dẫn thực hiện các thủ tục để đảm bảo đúng quy định.
“Trách nhiệm chính thuộc về Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có các trạm cân; song trong đó có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện. Hiện, vẫn còn 10 trạm cân vi phạm tại các xã Đăk Ui, Đăk Hring và Ngọc Wang, Ủy ban nhân dân huyện đã làm việc, nhưng hiện đang trong thời gian cân cà phê chúng tôi để các trạm cân này phục vụ cho bà con. Sau vụ thu hoạch cà phê, chúng tôi cam kết sẽ xử lý các trạm cân vi phạm trước khi quý I/2025 kết thúc”, ông Nguyễn Minh Vương cam kết trước Hội đồng nhân dân tỉnh.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu, cử tri quan tâm là việc chậm trễ trong thi công Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei trên địa bàn huyện Kon Rẫy. Đại biểu Đinh Thị Hồng Thu, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại huyện Kon Rẫy cho biết, Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt vào năm 2018; trong đó giai đoạn 1 của dự án dự kiến được thi công từ năm 2018 – 2020. Tuy nhiên sau đó, giai đoạn 1 của dự án được điều chỉnh hoàn thành vào năm 2023.
Mục tiêu giai đoạn 1 của dự án là đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 1.600ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp (trong đó 120ha lúa nước, 1480ha hoa màu và cây công nghiệp); cung cấp nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu xã Đắk Ruồng, Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy; đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tiết giảm lũ nhẹ cho hạ du, chủ động nguồn nước để chống cháy và bảo vệ rừng thuộc phạm vi lân cận vùng dự án.
Đại biểu Đinh Thị Hồng Thu bức xúc, mặc dù đã được gia hạn, nhưng đến nay, tháng 12/2024, giai đoạn 1 của dự án chưa được hoàn thành, bàn giao và đi vào sử dụng; đồng thời, đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai dự án chậm tiến độ và thời gian hoàn thành dự án.
Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, hiện nay, phần lớn các hạng mục của giai đoạn 1 dự án cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn khoảng 60m đường ống phía Tây, đã xong nhưng chưa ráp trục. Việc chậm trễ trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sân khẳng định, chủ đầu tư đã không làm hết trách nhiệm. Thứ nhất là thủ tục đầu tư ban đầu, từ công tác lập dự án không kỹ, khi thiết kế kỹ thuật vào đã phát sinh khối lượng, phải điều chỉnh lại dự án cho phù hợp, làm kéo dài hơn một năm, tăng vốn lên. Thứ hai là không làm tốt vai trò là chủ đầu tư, tháo gỡ khó khăn, phối hợp thực hiện, không báo cáo kịp thời. Những kỳ họp trước, sau khi cử tri phản ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã rất nhiều lần đến dự án trực tiếp, nhưng chủ đầu tư không bám sát, đôn đốc, xử lý. Cơ quan giám sát đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm khi không làm tròn trách nhiệm, để chậm dự án.
“Vừa qua, khi tiến hành kiểm điểm, đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã nhận trách nhiệm, đề xuất không hoàn thành nhiệm vụ. Sắp tới cũng sẽ giao cho Sở Nội vụ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý cán bộ không hoàn thành nội dung này”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết thêm.
Dù đã chủ động nhận trách nhiệm, tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đặt câu hỏi, khi nào nước sẽ về với người dân, với các cánh đồng, với cây trồng tại vùng tưới. Ông Nguyễn Ngọc Sâm và ông Lưu Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum khẳng định, ngày 31/12/2024, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và nước sẽ về với vùng tưới.
“Ngày 31/12/2024, tôi sẽ trực tiếp đến dự án để xem nước có được đưa đến vùng tưới như chủ đầu tư và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh hứa hay không. Nếu không làm được, các đồng chí phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Ngay cả khi làm được, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể gây ra sự chậm trễ của dự án; đồng thời phải xử lý nghiêm”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.
Sự quyết liệt của người đứng đầu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện các nhiệm vụ cho thấy tinh thần không đùn đẩy, né tránh, nhìn nhận thẳng vào vấn đề để tìm cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền. Đây cũng là tiền đề để Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng trên 10%, phấn đấu đạt 19,79% với tinh thần “Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý”.
Dư Toán