Kon Tum: nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại cơ hội cho người nghèo

Kon Tum là tỉnh có hơn 55% đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã phân bổ có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách hướng đến các đối tượng là hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số. Việc làm này đã tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng được vay vốn trên địa bàn tỉnh, hướng đến phát triển kinh tế và thoát nghèo.

pic3.jpg
Nhiều hộ dân tại tỉnh Kon Tum được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để làm ăn, mang lại nguồn lợi lớn.

Những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Kon Tum đã thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 4.569 tỷ đồng, giúp cho hơn 431.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Đối với người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, nguồn vốn vay được từ Ngân hàng CSXK được xem như “phao cứu sinh” khi có lãi suất ưu đãi, 5 năm đầu không phải trả nợ gốc, thời hạn vay từ 10 - 15 năm tùy theo mục đích.

Anh A Linh (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) phấn khởi cho biết, năm 2018, được sự vận động của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn bán 2 con trâu và vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư vào trồng cây sâm Ngọc Linh. Nhờ đầu tư có hiệu quả và không bị áp lực bởi lãi suất, gia đình anh giờ đây đã thu về lợi nhuận từ những cây sâm được gieo trồng.

pic1.jpg
Nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò sinh sản, giúp làm giàu.

Cạnh đó, từ khi triển khai Nghị định số 28 của Chính phủ vào năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho người dân vay vốn với mục đích hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; đầu tư, phát triển vùng trồng dược liệu quý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ một hộ khó khăn, thiếu thốn, gia đình chị Y Loan (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) đã được vay hơn 100 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách của huyện để thực hiện chuyển đổi nghề từ trồng mì sang chăn nuôi gia súc. Với số tiền vay được, chị đã mua 1 con trâu và 5 con bò. “Nhờ các chính sách thiết thực Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, cuộc sống của gia đình chị đã từng bước được nâng lên, không còn vất vả như trước. Đến nay, đàn bò đã bắt đầu sinh sản và dự kiến mang lại nguồn thu nhập lớn cho chị vào cuối năm.”, chị Y Loan vui mừng cho biết.

pic2.jpg
Nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò sinh sản, giúp làm giàu.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang đến cơ hội rất lớn cho các hộ nghèo, nhất là hộ dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum. Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân đã xây được nhà cửa khang trang, triển khai nhiều mô hình phát triển sinh kế, có thêm nguồn thu nhập và là “đòn bẫy” để thoát nghèo bền vững.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô Nguyễn Văn Toàn cho biết, đơn vị lập danh sách và rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng để nguồn vốn được sử dụng đúng người, đúng mục đích. Trong năm 2023, đơn vị đã thực hiện cho vay và giải ngân toàn bộ 4 tỷ đồng theo định mức được giao. Bước đầu cho thấy, người dân được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách này, nhất là nội dung xây nhà mới và chuyển đổi nghề.

pic4.jpg
Thông qua tín dụng chính sách, nhà cửa của người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đã được xây dựng khang trang, kiên cố hóa

Trong khi đó, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ngân hàng CSXH tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp quan tâm dành nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ về cơ sở vật chất và cân đối nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hiện, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh là gần 226 tỷ đồng, tăng hơn 217 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã giúp cho

10.563 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; giúp 2.749 lao động có việc làm ổn định; 92 hộ gia đình khó khăn được xuất vay vốn theo Đề án cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Nhờ sự triển khai có hiệu quả, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được chuyển tải nhanh chóng, thuận ợi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tổng doanh số cho vay ủy thác trong 10 năm qua đạt 8.916 tỷ đồng, chiếm 99,4% tổng doanh số cho vay của Ngân hàng và 426.171 lượt khách hàng vay vốn.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Chung cho biết, để nguồn vốn tín dụng chính sách đi sâu vào đời sống, thời gian tới, đơn vị tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp để thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Từ đó, tăng cường các giải pháp về mở rộng tín dụng, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.

Tập trung rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách. Huy động nguồn tín dụng chính sách theo hướng tích hợp các chương trình để thực hiện. Kịp thời phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng đề án hỗ trợ cho vay đối với các mô hình theo chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, nhất là tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn./.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm