Dần thu hẹp khoảng cách vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉnh Quảng Bình đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 một cách hiệu quả.

vna_potal_xay_dung_vung_chac_“the_tran_long_dan”_noi_bien_gioi_quang_binh__7698060.jpg
Tuyến đường bê tông dài gần 2km do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79 xây dựng góp phần nâng cao cuộc sống cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở cụm Còi, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ cho Chương trình, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác; cơ chế huy động các nguồn lực khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chương trình.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu phân bổ, điều chỉnh kịp thời các nguồn vốn ngân sách Trung ương để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đảm bảo tiến độ, kịp thời giải ngân theo đúng kế hoạch; tăng cường chỉ đạo việc quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định, tập trung, trọng điểm, tránh dàn trải gây lãng phí, thất thoát nguồn lực.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét nâng mức hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, vì theo quy định hiện nay 10 triệu đồng/hộ, chỉ là sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao; nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề tại Dự án 3 từ mức 10 triệu đồng/hộ lên mức 15 triệu đồng hộ…

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 3.845 km2 với trên 11.165 hộ, gần 47 ngàn người. Giai đoạn 2022 – 2024, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ là 1.111 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương là hơn 1.040 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 71 tỷ đồng. Đến tháng 7/2024, tỉnh Quảng Bình đã giải ngân hơn 531 tỷ đồng (đạt 47,9%). Trong đó, vốn đầu tư là hơn 399 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là gần 134 tỷ đồng.

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình khẳng định, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với mức bình quân chung cả tỉnh. Đồng thời, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Từ nguồn vốn chương trình, bộ mặt đời sống xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Bình đã ngày càng khởi sắc. Công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tiến hành đồng bộ. Lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 8,2%/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải ngân nguồn vốn một số dự án còn thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp như: Dự án 2 “quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, vốn sự nghiệp giải ngân 0 đồng; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em”, vốn sự nghiệp ngân sách địa phương giải ngân 0 đồng.

Ngoài ra, việc khảo sát, lập kế hoạch đầu tư tại một số địa phương còn chưa sát với nhu cầu và điều kiện thực tiễn, do đó khi được phân bổ nguồn và triển khai thực hiện phải điều chỉnh về quy mô, địa điểm, nguồn vốn. Việc triển khai xây dựng các mô hình phát triển sản xuất chưa mang lại hiệu quả. Hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp về mục tiêu, nội dung, đối tượng thụ hưởng.

Tá Chuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm