Sóc Trăng là địa phương có hơn 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhờ sự quan tâm thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc nên hiện nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và bà con dân tộc Khmer nói riêng trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Đến thăm Châu Thành - một huyện cửa ngõ của tỉnh Sóc Trăng có tới 10 DTTS cùng sinh sống với 49.466 người, chiếm 51,96% dân số toàn huyện, trong đó, Khmer 46.229 người, chiếm 48,56%; Hoa 3.208 người, chiếm 3,37%. Giai đoạn 2019 - 2024, tình hình kinh tế huyện có nhiều chuyển biến tích cực, liên tục phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá; hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn được nâng cấp và phát triển, nhiều công trình được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm trên 2,85%, riêng tỷ lệ hộ nghèo Khmer cuối năm 2023 giảm 2,77% so với năm 2019. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 678 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,45%; trong đó có 440 hộ DTTS nghèo chiếm tỷ lệ 3,05%, và hộ cận nghèo là 418 hộ, chiếm tỷ lệ 1,51%, trong đó hộ cận nghèo DTTS có 281 hộ, chiếm tỷ lệ 1,95%.
Ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, huyện đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% - 4% hàng năm; 100% xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 95%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%; học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường đạt 98%; học sinh trung học phổ thông đến trường đạt 75%; trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, 100% trạm y tế vùng dân tộc thiểu số được xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
Có dịp quay trở lại Trần Đề - địa phương với lợi thế 12 km bờ biển, sau vài ba năm một luồng gió mới, tươi mát hơn và ấm no hơn đã và đang làm thay đổi diện mạo nơi đây. Những năm trước, kinh tế của Trần Đề chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều cánh đồng bị bỏ hoang vì đất bị nhiễm mặn. Từ khi có hệ thống đê biển, đê sông, các dự án thủy lợi, dự án đê bao khép kín phát huy tác dụng, kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, những vùng đất nhiễm mặn bỏ hoang trước đây nay được cải tạo thành đầm nuôi tôm diện tích lớn, thành cánh đồng canh tác lúa đặc sản, lúa chất lượng cao… đã giúp cho kinh tế của huyện ngày một khởi sắc.
Trần Đề hiện là địa phương dẫn đầu về lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Nguyễn Trọng Sơn, cho biết tính đến tháng 9/2024, diện tích thả nuôi thủy sản của huyện hơn 5,7 ngàn ha, đạt 107% kế hoạch, diện tích thu hoạch 2.78 ngàn ha, tổng sản lượng nuôi trồng 25.7 ngàn tấn, đạt 62,11%, sản lượng khai thác thủy hải sản 51,1 ngàn tấn tôm cá các loại, đạt 100,39% so kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản 76,9 ngàn tấn, đạt 83,22% kế hoạch.
Định hướng đến năm 2030, Trần Đề cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh với hướng phát triển không gian chính về thành phố Sóc Trăng và ven sông Hậu. Khi đó, Trần Đề sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, được tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, các khu sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, du lịch biển và đô thị biển; gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, khu kinh tế ven biển Trần Đề, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, từ nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã lồng ghép đầu tư, nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS, hiện 100% xã có đường ôtô đến trung tâm; trên 99% hộ gia đình vùng DTTS được sử dụng lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,65%. Toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ với 67 mô hình phát triển sản xuất, góp phần đa dạng hóa sinh kế cộng đồng và giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 4.116 hộ nghèo là người DTTS, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ dân tộc Khmer nghèo 3%/năm.
Nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách cho vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng nâng cao cuộc sống của đồng bào DTTS, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, phát huy tốt khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,54%, GRDP bình quân đầu người là 60,10 triệu đồng/người/năm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lâm Hoàng Mẫu, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết việc triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 cùng với các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả tích cực. Điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, đồng bào có cơ hội tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, các nhu cầu xã hội thiết yếu cơ bản được đáp ứng.
Giai đoạn 2024-2029, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2029 đạt 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp trải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% đường giao thông khóm, ấp đến trung tâm xã được cứng hóa đạt chuẩn; 100% đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 77,5% đồng bào DTTS được sử dụng nước sạch; 100% đồng bào DTTS được sử dụng viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe nhìn; 100% người lao động DTTS có nhu cầu được đào tạo nghề. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 2%-3%, cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu Hương