Hòa Bình phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào thi đua yêu nước

Ông Bàn Văn Thân (bìa phải) là một trong những Người có uy tín tiêu biểu ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: baodantoc.vn
Ông Bàn Văn Thân (bìa phải) là một trong những Người có uy tín tiêu biểu ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: baodantoc.vn

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình luôn đóng vai trò quan trọng và là tấm gương sáng trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi.

Hòa Bình phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào thi đua yêu nước ảnh 1Lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người có uy tín tiêu biểu của tỉnh năm 2022. Ảnh: baodantoc.vn

Bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh miền núi Hòa Bình có 59 xã vùng đặc biệt khó khăn và hơn 74% người dân tộc thiểu số sinh sống. Giao thông đi lại còn khó khăn, nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, vai trò của người có uy tín rất quan trọng trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; là những người đại diện nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể với người dân địa phương.

Ngoài ra, trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành hạt nhân; là tấm gương sáng; có nhiều đóng góp thiết thực bằng ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, sân vận động… Đặc biệt, họ còn là những người đi đầu trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao, thu nhập ổn định.

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức thăm hỏi, gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà nhân ngày lễ, Tết truyền thống, hỗ trợ vật chất, tinh thần khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn; biểu dương, khen thưởng, đối với người có uy tín. Thông qua việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín đã kịp thời động viên, khích lệ họ phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở và là những tấm gương tiêu biểu để đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, nghe và làm theo.

Hòa Bình phát huy vai trò của người có uy tín trong phong trào thi đua yêu nước ảnh 2Ông Bàn Văn Thân (bìa phải) là một trong những Người có uy tín tiêu biểu ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: baodantoc.vn

Theo bà Đinh Thị Thảo, để phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hòa Bình tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm dần các tệ nạn tại khu dân cư, tạo điều kiện cho người có uy tín, già làng hoạt động đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai các quy định về tiêu chí lựa chọn, công nhận và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. 

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Giai đoạn 2011-2021, tỉnh đã bố trí hơn 34 tỷ đồng để cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và khen thưởng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Hiện nay, Hòa Bình đã tôn vinh, bầu chọn 1.283 người có uy tín như: Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, già làng, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất giỏi. Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, con cháu trong dòng họ, xóm, làng, tổ dân phố thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là thực hiện các phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo", "Tuổi cao, gương sáng, hiến công, hiến kế xây dựng quê hương, đất nước"…

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hòa Bình năm 2021 đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm 2,8% (từ 11,36% năm 2019 xuống còn 8,56% vào năm 2020). Toàn tỉnh có 65/129 xã khu vực nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 100% các xã có điện lưới quốc gia.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm