Hội đồng Khoa học Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình tuyển chọn giống quất hồng bì đầu dòng. Ảnh: Nhan Sinh - TTXVN |
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, lựa chọn được những cá thể ưu việt về năng xuất và chất lượng là cơ sở quan trọng để ngành bảo tồn nguồn gen quý và nhân giống quất hồng bì phục vụ cho sản xuất hàng hóa; đồng thời giúp nông dân Kỳ Sơn phát triển loại cây đặc sản cho thu nhập cao.
Quất hồng bì (tên khoa học Clausenna lansium) là loài cây thân gỗ thuộc loại cam quýt; cho quả vị chua ngọt, người dân thường gọi là quả vòng, quả nhâm. Từ lâu quất hồng bì đã được dùng làm vị thuốc trong nhiều bài thuốc dân gian, chữa các chứng bệnh ho, viêm họng, khó tiêu, cảm sốt rất hiệu quả.
Tại tỉnh miền nui Hòa Bình, quất hồng bì thường mọc hoang hay trong vườn tạp ở nông hộ. Trong các điểm trồng cây quất hồng bì tại tỉnh Hòa Bình, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn là địa phương trồng khá tập trung trong các vườn nhà, hộ trồng ít từ 5 - 6 cây, hộ trồng nhiều lên đến vài chục, hàng trăm cây. Trong số 5 thôn của xã thì có tới 4 thôn trồng quất hồng bì với diện tích lớn gồm: Đồng Giang, Ao Trạch, Đễnh và Gò Bùi.
Hội đồng Khoa học Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình tuyển chọn giống quất hồng bì đầu dòng. Ảnh: Nhan Sinh - TTXVN |
Quất hồng bì là cây bản địa có tính chống chịu tốt, ít sâu bệnh hại và không mất công đầu tư chăm sóc. Những năm gần đây, nhiều hộ coi đây là cây trồng chính, mang lại thu nhập chủ yếu cho gia đình. Hiện nay, giá quất hồng bì thu mua tại vườn là 15.000 đồng/kg, trên thị trường từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Đan Phượng, thôn Đồng Giang, xã Dân Hòa cho biết, trên mảnh đất vườn rộng 1.400 m2, gia đình trồng 80 cây quất hồng bì có tuổi đời từ 10 - 35 năm, thậm chí có cây gần 80 năm, cây sai quả cho thu hoạch tới 4 triệu đồng. Do quả mọng cùi, có vị thơm ngon đặc biệt, cuối vụ gia đình bán được 50.000 đồng/kg.
Nhan Sinh