Hồ Văn Tuấn - Chàng thanh niên người Kor làm giàu trên mảnh đất quê hương

Nuôi heo ky - loại heo rừng lai với heo bản địa, được coi là đặc sản quý hiểm ở vùng miền núi. Ảnh: hoinongdanquangngai.org.vn
Nuôi heo ky - loại heo rừng lai với heo bản địa, được coi là đặc sản quý hiểm ở vùng miền núi. Ảnh: hoinongdanquangngai.org.vn

Trong những năm qua, phong trào tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế - xã hội được Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Ngãi tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của địa phương. Anh Hồ Văn Tuấn (dân tộc Kor), thôn Trà Ong, xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng là một trong những tấm gương tiêu biểu của tỉnh.

Hồ Văn Tuấn - Chàng thanh niên người Kor làm giàu trên mảnh đất quê hương ảnh 1Nuôi heo ky - loại heo rừng lai với heo bản địa, được coi là đặc sản quý hiểm ở vùng miền núi. Ảnh: hoinongdanquangngai.org.vn

Anh Hồ Văn Tuấn sinh ra và lớn lên tại xã Sơn Trà - xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Trà Bồng. Cuộc sống của anh Tuấn từ nhỏ đã gắn liền với núi rừng. Sau khi học xong Trung học Phổ thông, anh vào miền Nam làm công nhân với hy vọng góp được ít vốn để về quê thực hiện ý tưởng khởi nghiệp đã ấp ủ từ lâu.

Với khát vọng phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương, cuối năm 2017 anh Tuấn về quê tìm tòi, nghiên cứu cách nuôi giống lợn ky (giống lợn địa phương, con nhỏ, thịt thơm ngon); gà, vịt để phát triển kinh tế gia đình. Bằng số vốn tiết kiệm ban đầu khoảng 50 triệu đồng và nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là 50 triệu đồng, anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và đầu tư hệ thống điện, nước để phục vụ cho mô hình chăn nuôi của mình trên diện tích gần 1 ha. Ban đầu, anh nuôi 40 con lợn ky và đàn gà, vịt khoảng 300 con, anh cũng mạnh dạn mua thêm máy ấp trứng để thuận lợi cho việc phát triển đàn gà, vịt tại chỗ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi thực tế nên anh gặp nhiều khó khăn.

“Những gì tôi tìm hiểu qua sách vở, Internet rất khác với khi chăn nuôi thực tế, nên đàn gia cầm của tôi sinh trưởng, phát triển không được tốt. Đợt đầu chăn nuôi, tôi không những không có lãi mà còn bị lỗ”, anh Tuấn tâm sự.

Với tinh thần quyết chí lập nghiệp, anh Tuấn không hề nản chí, anh đã đăng ký khóa học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt 6 tháng tại tỉnh Bình Định với mong muốn thực hiện thành công ý tưởng của mình. Nhờ đó, anh có thêm những kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng bệnh cho đàn gia cầm... Từ sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, anh Tuấn đã bước đầu gặt hái được những thành công trong phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, mỗi năm ước tính thu nhập bình quân khoảng 50-60 triệu đồng.

Anh cho hay, với một người mới khởi nghiệp và khởi nghiệp ở một xã miền núi nghèo như anh thì việc thu về khoảng 50 triệu đồng trong thời gian đầu khởi nghiệp thực sự là một thành công rất lớn. Nhờ đó mà anh có động lực để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình trang trại của mình. Đến nay, anh đã có một mô hình trang trại như mong ước với đa dạng các loại cây ăn quả, vật nuôi. Năm 2020, sau khi trừ chi phí anh còn thu về khoảng 120 triệu đồng.

Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh Tuấn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương, với mục đích tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế của mình để đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng. Ngoài việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn ở địa phương.

Anh Hồ Nhất, xã Sơn Trà, cho biết, bản thân anh là một trong những đoàn viên được anh Tuấn hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi giống lợn ky. Dù là người địa phương, tưởng chừng như việc nuôi loại lợn này sẽ dễ dàng, nhưng nếu không tìm hiểu thì lợn sẽ rất chậm lớn, không đạt năng suất, thịt không ngon. Từ ngày được anh Tuấn hướng dẫn kỹ thuật, anh đã biết chọn đúng loại thức ăn, phòng bệnh cho lợn, gà, nhờ đó năng suất ngày càng tăng, thu nhập gia đình được cải thiện.

Từ những thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác đoàn tại địa phương, hàng năm anh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và Huyện đoàn Trà Bồng tặng nhiều giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế.

Anh Bùi Tấn Trưởng, Phó Bí thư Huyện đoàn Trà Bồng chia sẻ: "Anh Tuấn là một tấm gương cho thanh niên huyện Trà Bồng học hỏi. Tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh đã giúp anh thành công làm giàu cho bản thân trên chính mảnh đất quê hương. Đặc biệt, trang trại của anh Tuấn còn tạo việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương, giúp nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế. Qua đó, tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên huyện Trà Bồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".


Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm