Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Hội nghị thu hút 45 nhóm phụ nữ với khoảng 450 thành viên là người dân tộc thiểu số gặp gỡ, kết nối với đại diện các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và doanh nghiệp, nhằm nắm bắt các cơ hội ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Chương trình được triển khai trong năm 2019 với tổng số vốn dự kiến khoảng 300.000 USD (tương đương với gần 7 tỷ đồng). Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, ở Đắk Nông, số hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 34% tổng số hộ nghèo đa chiều trên địa bàn. Sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp và nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới, thị trường, các giải pháp tài chính. Hơn nữa, sinh kế của đồng bào còn bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão hay lũ lụt, trong khi đó, cơ hội tiếp cận với giải pháp bảo hiểm còn rất hạn chế. Chị H’ Bình, Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa cho biết, tổ hợp tác của chị được thành lập 2 năm trước với 8 chị em dệt thổ cẩm truyền thống. Theo chị H’ Bình, khó khăn nhất của tổ hợp tác hiện nay là chưa có đầu ra cho sản phẩm ổn định, cùng với đó là những khó khăn trong việc tiếp cận và quảng bá sản phẩm trong thời đại công nghệ. Mong muốn hiện nay của tổ hợp tác là quảng bá, bán được sản phẩm trực tuyến, để vừa có thu nhập ổn định, vừa gìn giữ được nghề truyền thống của ông bà, cũng như tạo ra được một điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống do phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông sản xuất. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức giới thiệu dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trên địa bàn tỉnh”; tọa đàm về xu thế ứng dụng công nghệ thông tin vào chuỗi giá trị nông nghiệp và sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số; kết nối kỹ thuật “Các nền tảng 4.0 cùng đồng bào dân tộc thiểu số thúc đẩy tiếp cận thị trường, thực hiện sáng kiến giảm nghèo”. Trọng tâm là giới thiệu, hỗ trợ các tổ nhóm, các thành viên tiếp cận với thương mại điện tử; các giải pháp tài chính hiện đại như thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử, bảo hiểm vi mô; truyền thông đa phương tiện để nắm bắt thị trường, phòng ngừa, giảm thiểu tác động thiên tai; các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Điều phối Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là cần giải quyết tình trạng nghèo đa chiều, tập trung chủ yếu ở nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn. Cũng theo ông Ngô Trường Thi, với thời buổi công nghệ thông tin thì cần thiết sử dụng sản phẩm thương mại điện tử để giúp tổ nhóm kết nối với người tiêu dùng cũng như quảng bá sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh. Bởi cách làm, cách quảng bá, bán sản phẩm truyền thống không còn phù hợp nữa. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, áp dụng công nghệ của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là hướng đi nhạy bén, kịp thời. Tỉnh sẽ phối hợp, triển khai đánh giá đúng thế mạnh và tiềm năng của từng nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, từng khu vực để có thể phát huy tiềm năng, tạo ra sản phẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hưng Thịnh