Hỗ trợ phụ nữ Bình Định khởi nghiệp từ những mô hình mang tính ứng dụng cao

Hỗ trợ phụ nữ Bình Định khởi nghiệp từ những mô hình mang tính ứng dụng cao

Bà Từ Thị Phụng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định cho biết, trong giai đoạn 2 (2021-2025) của Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Bình Định sẽ tập trung định hướng, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo từ những mô hình mang tính ứng dụng cao nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Theo bà Từ Thị Phụng, từ mô hình điểm “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” triển khai tại thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) và xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) năm 2018, đến nay, mô hình này đã lan tỏa khắp 11 huyện thị, góp phần giúp cán bộ Hội Phụ nữ các cấp nắm được nhu cầu khởi nghiệp của chị em phụ nữ. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 98 ý tưởng khởi nghiệp với 387 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đã được triển khai hiệu quả.

Hỗ trợ phụ nữ Bình Định khởi nghiệp từ những mô hình mang tính ứng dụng cao ảnh 1Mô hình khởi nghiệp sản xuất bột ngũ cốc tại nhà của hội viên hội Phụ nữ thành phố Quy Nhơn. Ảnh: hoiphunu.binhdinh.gov.vn

Song song với mô hình này, thành phố Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước, Phù Cát… tổ chức mô hình “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp”; “Phiên chợ xanh”; “Phiên chợ trưng bày sản phẩm”, nhằm kết nối tiêu thụ các sản phẩm do phụ nữ làm, đồng thời gây quỹ giúp cho hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn có ý tưởng khởi sự kinh doanh, giúp nhau thoát nghèo. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Du lịch Bình Định triển khai chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động du lịch”, tổ chức bồi dưỡng kiến thức du lịch, sản phẩm du lịch và ứng xử văn minh cho phụ nữ.

Đáng chú ý, tháng 12/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu do phụ nữ sản xuất. “Bộ phận hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được hình thành góp phần tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm sạch, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế trong gia đình và ngoài xã hội”, bà Từ Thị Phụng chia sẻ.

Với những kết quả đạt được ở giai đoạn 1, giai đoạn 2 (2021-2025) của Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, hội viên, quần chúng phụ nữ về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, tỉnh Bình Định phấn đấu đạt chỉ tiêu thành lập mới 200 doanh nghiệp của phụ nữ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ chị em phụ nữ thực hiện hóa các ý tưởng, tìm kiếm nhà đầu tư cho các ý tưởng, dự án kinh doanh sáng tạo; kết nối, liên kết, giới thiệu các sản phẩm do phụ nữ làm ra. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chú trọng nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ khởi sự kinh doanh”; kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp với hoạt động sản xuất của phụ nữ tại địa phương; ưu tiên hoạt động nông nghiệp và những địa bàn khó khăn; hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp do nữ làm chủ; tuyên truyền các gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp thành công để tạo sức lan tỏa về tinh thần khởi nghiệp.

Từ nay đến năm 2025, Bình Định phấn đấu có ít nhất 90% cán bộ Hội Phụ nữ chuyên trách các cấp và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền về việc làm, khởi nghiệp; 100% doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ 320 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 10 tổ hợp/hợp tác xã do phụ nữ thành lập hoặc quản lý...

Bộ phận tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sẽ hỗ trợ phụ nữ tỉnh Bình Định phát triển kinh tế đi vào chiều sâu gắn với các giải pháp thiết thực với sự hỗ trợ về cơ hội kinh doanh, không gian làm việc, tư vấn phát triển ý tưởng, đào tạo kỹ năng.... Trong đó, các giải pháp ưu tiên thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hoạt động chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, an toàn, thân thiện với môi trường; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mô hình kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị; tích cực giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, hỗ trợ tiếp cận thị trường…

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm