Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã lồng ghép nhiều nguồn lực giúp phụ nữ có sinh kế để thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế gia đình và khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Những việc làm thiết thực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang triển khai, nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số và khẳng định vai trò, uy tín của tổ chức Hội.
Sông Hinh là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên với 21 dân tộc thiểu số cùng nhau sinh sống. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sông Hinh hiện có 3.628 hội viên là người dân tộc thiểu số, sinh hoạt ở 83 chi hội thôn, buôn, khu phố. Phần lớn, chị em phụ nữ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn hạn chế.
Để giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, các Chi hội Phụ nữ cơ sở của huyện Sông Hinh đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nhằm nắm nhu cầu phát triển kinh tế của từng chị em. Từ đây, những hội viên có nhu cầu về vốn sẽ được Hội Phụ nữ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ.
Khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ với số vốn ban đầu vay của Ngân hàng Chính sách xã hội là 5 triệu đồng, chị Ksor H’Bia ở buôn Trinh, xã Ea Bar đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn bò của nhà H’Bia ngày càng phát triển, giúp gia đình chị thoát nghèo.
Chị Ksor H’Bia cho biết, gia đình chị vay vốn từ năm 2010, đến năm 2011 thì trả 5 triệu đồng, rồi vay thêm 10 triệu đồng để chăn nuôi. Thấy làm ăn hiệu quả, gia đình lại vay thêm 30 triệu cộng thêm hơn 100 triệu đã tích lũy được để mua thêm máy cày. Từ đồng tiền vay đầu tư làm mì, làm lúa, có tiền lời chị đã mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ và chăm chỉ làm ăn nên đến năm 2013 là gia đình chị đã thoát nghèo.
Trước đây, gia đình chị Ksor H’Nghếch, ở thôn 2A, xã Sông Hinh cũng rất khó khăn. Từ khi được vận động tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, chị H’Nghếch được nghe tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi,… Chị đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh để nuôi bò, lợn, gà...
Chị Ksor H’Nghếch chia sẻ: "Từ khi tham gia Hội Phụ nữ thấy có rất nhiều lợi ích. Những lúc mình khó khăn có chị em trong Hội chia sẻ giúp đỡ; được hỗ tợ vay vốn ưu đãi; được tư vấn nhiều kiến thức, mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Gia đình tôi đang nuôi bò lai, trồng cao su, sắn, ớt để phát triển kinh tế. Với thu nhập được hàng năm là hơn 80 triệu đồng thì so ra gia đình cũng khá ổn định".
Với phương châm "Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội", Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sông Hinh đã thực hiện tốt hơn vai trò, bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế. Hội viên ở những nơi khó khăn được hỗ trợ về vật nuôi, con giống, hỗ trợ vốn. Bên cạnh đó mô hình phụ nữ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Chị Nay H’Nhơn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sông Hinh cho biết: Những năm qua, Hội Phụ nữ huyện đã có nhiều mô hình, nhiều hoạt động thiết thực để vận động phụ nữ người dân tộc thiểu số từ thay đổi nhận thức cho đến việc vay vốn phát triển kinh tế cho hộ gia đình. Năm 2020, các cấp Hội trong huyện đã giúp đỡ được 69 hộ gia đình phụ nữ nghèo và vận động được 133 chị khá giúp 44 chị nghèo làm chủ hộ trên địa bàn, cơ bản những mô hình như vậy một số chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có cuộc sống mới hơn, khởi sắc hơn, khá giả hơn.
Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, giai đoạn 2016-2020, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã giúp 848 phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Tổ chức Hội thực sự là điểm tựa vững chắc giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, chị em đã phấn khởi, tự tin, từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên cho biết: Hiện nay hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số có 8.486 người, thuộc 30 dân tộc thiểu số, chiếm 5,6% so hội viên toàn tỉnh. Các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với chính quyền các địa phương và các ngành liên quan trong tỉnh triển khai nhiều phong trào, chương trình thiết thực tiếp sức cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Phương châm đặt ra là 100% phụ nữ nghèo được hỗ trợ về vốn, giống, cây con giống, ngày công lao động. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên cũng xây dựng các mô hình điểm để chị em học tập trong phát triển kinh tế. Từ hiệu quả của các mô hình này đã tạo lòng tin của phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xuân Triệu