Sơn La hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Sơn La hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp
Đại diện Tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về hỗ trợ khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Đại diện Tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về hỗ trợ khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Theo ông Hà Việt Quân, Tổ trưởng Tổ công tác 569, Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dược liệu trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ; giới thiệu các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Sơn La; lắng nghe các doanh nghiệp chia sẻ về nhu cầu hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh với các tổ, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện.
 
Tại Diễn đàn, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ được hỗ trợ kết nối đối tác kinh doanh. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Tại Diễn đàn, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ được hỗ trợ kết nối đối tác kinh doanh. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Tại Diễn đàn, ông Lê Ngọc Huê, Chủ tịch Hợp tác xã Nông dược Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đánh giá cao tiềm năng liên kết, hợp tác với các tổ, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số tại hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Phụ nữ dân tộc thiểu số có lợi thế là am hiểu về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các cây dược liệu theo nhu cầu của Hợp tác xã Nông dược Thái Bình nói riêng và các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp dược liệu nói riêng. Ông Huê cho biết, Hợp tác xã sẽ cùng với bà con khảo sát vùng trồng, đánh giá tiềm năng và lợi thế của địa phương, từ đó đưa ra các tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật giúp ươm tạo, hỗ trợ phát triển kinh doanh bền vững.

Bà Đinh Thị Soa, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hồ (tỉnh Sơn La) chia sẻ: Hợp tác xã có 18 thành viên, trong đó 11 thành viên là phụ nữ dân tộc Mường. Hợp tác xã đang cung cấp rau an toàn cho nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhưng việc sản xuất nhỏ lẻ cùng với việc kinh doanh phải qua nhiều khâu trung gian khiến hiệu quả kinh tế về hợp tác xã và các thành viên chưa cao. Qua diễn đàn này, Hợp tác xã mong muốn được đào tạo kiến thức, tập huấn kỹ thuật chuyên sâu; tư vấn, hướng dẫn kết nối với đơn vị, doanh nghiệp thu mua, ký kết hợp đồng lâu dài để ổn định bao tiêu sản phẩm cho Hợp tác xã; cũng như được hỗ trợ tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm khởi nghiệp cho phụ nữ.
 
Phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ được tập huấn chuyên sâu về khởi nghiệp, kinh doanh. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ được tập huấn chuyên sâu về khởi nghiệp, kinh doanh. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Dịp này, Tổ công tác 569 đã ra mắt Nhóm đối tác đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị gồm doanh nghiệp đầu tàu chuỗi giá trị; hộ, tổ, hợp tác xã liên kết; chuyên gia cố vấn đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị.

Thời gian tới, các bên sẽ hỗ trợ cùng khảo sát, tìm kiếm các tổ, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số có đủ năng lực, phẩm chất, ý chí, khát vọng hợp tác với doanh nghiệp; hỗ trợ kết nối, tiếp xúc giữa doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng để trực tiếp thảo luận xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác; kết nối mạng lưới chuyên gia tư vấn, đồng hành với các tổ, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số có ý chí khởi nghiệp, kinh doanh, trong quá trình thực hiện các hoạt động liên kết hợp tác với doanh nghiệp.
Diệp Anh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm