Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo, 2025 sẽ là năm đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Năm 2025 cũng sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Thời gian này cũng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, tiến hành hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải ngân có hiệu quả nguồn vốn được giao, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình…
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhằm mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân trên 1%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới, giai đoạn 2026-2030, Bộ đề nghị Quốc hội chỉ đạo Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở trợ giúp xã hội tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hỗ trợ, chăm sóc người dân cần trợ giúp khẩn cấp. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, đề án về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Đồng thời, Bộ đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế và người dân trên địa bàn để kịp thời ứng phó khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Xây dựng kế hoạch, cân đối bố trí ngân sách địa phương, phối hợp, lồng ghép với ngân sách trung ương và huy động tối đa các nguồn lực khác để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn và đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 1 huyện thoát nghèo và 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2024, có 4/6 mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 5 năm đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26% (giảm khoảng 5%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5% (giảm trên 3%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.
Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện nay, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Những trường hợp này cũng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Thực tế còn cho thấy, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.
Hạnh Quỳnh