Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1% - thông tin này do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ này tổ chức sáng 27/12, tại Hà Nội.
Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Theo thông tin tại hội nghị, năm 2024 và giai đoạn 4 năm (2021-2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian này, thị trường lao động phục hồi, khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thấp hơn nhiều so với năm 2021. Tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp cơ bản duy trì ổn định; thu nhập của người lao động được cải thiện.
Cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu vực kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt cao và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cũng đạt kết quả tốt. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả. Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; 13 chỉ tiêu quản lý ngành ước đạt và vượt mục tiêu.
Trong những kết quả đó, nổi bật là năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức thấp, dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, đạt mục tiêu Quốc hội giao. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp, ước tính lần lượt là khoảng 20,1 triệu người và 15,8 triệu người, chiếm tỷ lệ 42,7% và 33% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Cùng thời gian này, có 883.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước và có 2.208.569 người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Tiền lương, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện. Tần suất tai nạn lao động chết người đạt mức giảm bình quân 4,5%/năm, đạt mục tiêu.
Đáng chú ý, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2%, giảm bình quân khoảng 1,05%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi lên sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, một trong những nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2025 là tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm. Đồng thời, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức.
Trong các giải pháp giảm nghèo bền vững, năm 2025 sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tập trung xoá nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Hạnh Quỳnh