Trong những năm qua, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vùng đồng bào dân tộc miền núi vẫn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung cả nước.
Xây dựng công trình phúc lợi xã hội ở huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Để các chính sách dân tộc tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã làm rõ hơn những giải pháp phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Trước những băn khoăn về tình trạng số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 47% số hộ nghèo cả nước, trong khi dân số người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,3%, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nêu rõ những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi đã được ban hành và thu được những thành tựu quan trọng.
Trước kia tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều, chiếm 70-80%, thậm chí có vùng dân tộc chiếm tới 90%. Gần đây, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thật sự thay đổi, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm một cách ấn tượng trong khi sự hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức độ giới hạn.
Tuy nhiên, Ủy ban Dân tộc chưa bằng lòng với kết quả đó, bởi khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng dân tộc miền núi và tỷ lệ chung của cả nước còn rất lớn. Trong khi cả nước chỉ có trên 5% tỷ lệ hộ nghèo, thì vùng đồng bào dân tộc chiếm hơn 40%.
Với trách nhiệm của những người làm công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu và thực hiện tốt hơn nữa công tác này để có các chính sách đồng bộ, hỗ trợ đồng bào nhiều hơn, tích cực hơn để giảm nhanh khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng miền, dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử chia sẻ sự hỗ trợ của Nhà nước trong những năm qua là đáng trân trọng, ghi nhận. Tuy nhiên, đi vào cụ thể từng chính sách theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì nguồn lực đầu tư còn rất khiêm tốn. Ví dụ, Chương trình 135 là một đề án rất quan trọng nhưng tổng nguồn lực được bố trí mới đạt khoảng 64%. Tổng nguồn lực các chính sách hiện nay do Ủy ban Dân tộc quản lý mới đạt khoảng 48%, trong đó có những chính sách đạt tỷ lệ rất thấp như chính sách nhà ở, đất ở đạt trên 10%; chính sách cho vay theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ đạt khoảng 2,3%.
Tổng nguồn lực bố trí trong năm 2015 khoảng 6.000 tỷ nhưng theo kế hoạch của các đề án, chính sách được duyệt là 12.000 tỷ; nghĩa là mới đạt gần 50%. So với kế hoạch, yêu cầu, nhiều chính sách chưa được thực hiện một cách hoàn chỉnh. Đến năm 2015, các chính sách hết hiệu lực nhưng nhu cầu của người dân còn rất lớn. Đây là một vấn đề mà Ủy ban Dân tộc rất trăn trở và đang báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch cho các chính sách trung hạn 2016-2020.
Chia sẻ ý tưởng huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết, các chính sách tới đây sẽ tăng cường cho vay và giảm cho không. Tất cả những nguồn lực sẽ được tận dụng như Ngân sách nhà nước; xã hội hóa; sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc miền núi; đóng góp trực tiếp từ người dân và các tổ chức quốc tế.
Sắp tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tăng cường việc xã hội hóa và sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà từ thiện, nhà hảo tâm, các tổ chức trong nước cho công tác dân tộc. Đồng thời phải có một chính sách khuyến khích cho vay tín dụng đối với vùng đồng bào dân tộc. Hiện nay, chính sách cho vay đạt tỷ lệ rất thấp (2,3%), cần nghiên cứu để khắc phục; tăng tín dụng là để người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng thêm một phần nguồn lực khoảng từ 4.000-6.000 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, năm nay sẽ có khoảng 10.000 tỷ đồng, có điều kiện để thực hiện tốt các chính sách dân tộc.
TTXVN