Ảnh minh họa - TTXVN |
* Vai trò cung cấp thông tin và điều tiết của VPA
Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, con người, về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến. Thiên nhiên ưu đãi với đất bazan màu mỡ, khí hậu cận nhiệt đới, độ ẩm cao, lượng mưa nhiều. Nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Chính phủ Việt Nam và các nhà khoa học sẵn sàng hỗ trợ trong đầu tư canh tác và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Các nhà chế biến và xuất khẩu luôn chủ động mở rộng thị trường, đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm. Bên cạnh đó, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập ngày 20-12-2001, luôn hoạt động tích cực và hiệu quả vì quyền lợi, vì sự phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Hiệp hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin diễn biến giá cả, thị trường, kết nối thông tin, chính sách giữa các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, giữa doanh nghiệp với người nông dân. Chính mối quan hệ thông tin 2 chiều này đã giúp cho VPA trở thành mái nhà chung, thống nhất hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp và gắn với lợi ích quốc gia với mục tiêu phát triển ngành hồ tiêu bền vững.
Có thể nói, một trong những thành công lớn của VPA là đã giúp cho người nông dân trồng hồ tiêu ở Việt Nam tiếp cận với thị trường quốc tế để họ quyết định được giá bán, nhờ đó lợi nhuận đã đến được tay người nông dân chứ không thông qua những nhà xuất khẩu như trước đây. Từ khi VPA ra đời chưa khi nào giá hồ tiêu Việt Nam xuống thấp hơn giá thành. Nhờ không bán sản phẩm dưới giá thành, người nông dân trồng hồ tiêu có thể tiếp tục tái đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Dù trải qua những giai đoạn đầy rủi ro bất trắc, nhưng so với các ngành nông nghiệp khác, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn luôn là ngành ổn định và phát triển liên tục trong nhiều năm. Đó là công sức chính của người nông dân, nhưng bên cạnh đó luôn có sự đồng hành của VPA.
Là thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), VPA luôn rất nỗ lực trong quá trình thảo luận với các thành viên khác trong Hiệp hội để tìm ra giải pháp ổn định thị trường, bình ổn giá và đảm bảo chất lượng của hồ tiêu, góp phần quan trọng trong việc điều hòa giá giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới. Chính nhờ đó, việc bán hàng từng bước có kế hoạch hơn, giảm bớt tình trạng cạnh tranh, đồng thời thiết lập được mối quan hệ mật thiết giữa VPA với các Hiệp hội gia vị trên thế giới như Hiệp hội thương mại gia vị Mỹ (ASTA), Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), Hiệp hội gia vị của các nước sản xuất như Braxin, Inđônêxia, Malaixia, Ấn Độ, Xri Lanca… để cùng nhau phát triển ổn định và lành mạnh.
* Khẳng định thương hiệu hồ tiêu Việt Nam
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần. Dự báo trong 8 năm tới của IPC cho thấy, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu hồ tiêu thêm 34% so với hiện nay, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trên quy mô toàn cầu.
Điều này cũng dễ hiểu vì doanh thu từ hồ tiêu cao hơn bất kỳ loại cây công nghiệp lâu năm nào khác: 1 ha hồ tiêu đạt hơn 14.200 USD (hơn 300 triệu đồng), cao gấp 5,2 lần so với cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè và điều.
Thời gian qua, diện tích trồng hồ tiêu tăng từng năm. Nếu năm 2000, diện tích hồ tiêu cả nước là 27,9 nghìn ha, đến năm 2015, vượt con số 100 nghìn ha và đến năm 2016 diện tích hồ tiêu cả nước đã lên tới trên 110 nghìn ha. Hiện, cây hồ tiêu được trồng chủ yếu tại 9 tỉnh trọng điểm, trong đó, riêng 4 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng chiếm 55.339 ha.
Cùng với diện tích, năng suất hồ tiêu cũng không ngừng tăng, từ 10-13 tạ/ha năm 1960 lên 25,9 tạ/ha năm 2014. Các tỉnh vùng Tây Nguyên có năng suất hồ tiêu cao nhất nước, bình quân đạt 31,4 tạ/ha, tỉnh Gia Lai có năng suất 39,4 tạ/ha, Đắk Lắk 30,7 tạ/ha, Bình Phước 28,7 tạ/ha, Tây Ninh 25,3 tạ/ha. Năm 2014, sản lượng hồ tiêu cả nước đạt 151,761 nghìn tấn; năm 2015, do ảnh hưởng của El-nino cùng nhiều nguyên nhân khác, sản lượng hồ tiêu cả nước giảm, chỉ đạt khoảng 133.569 tấn, đạt kim ngạch hơn 1,276 tỷ USD. Tuy giảm về khối lượng, nhưng lại tăng về giá trị (5,4%) so với năm 2014.
Hiện, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.