Kiên Giang là một trong 3 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (cùng tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với hơn 56.000 hộ, gần 237.000 nhân khẩu, chiếm trên 13% dân số của tỉnh. Những năm qua, Kiên Giang thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer.
Gia đình bà Trương Thị Ngoan, ấp Giồng Đá, là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu ở xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Trước đây, gia đình bà thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng vợ chồng bà chịu khó chăn nuôi, trồng rau màu và đi làm thuê để lo cho 3 người con đi học đại học, cao đẳng. Hiện, 3 người con đã có việc làm ổn định, trong đó có một người làm bác sĩ, một người làm giáo viên và một người làm nhân viên văn phòng.
“Nhớ lại trước đây, vợ chồng tôi vất vả lắm. Tôi vừa nuôi lợn, nuôi gà vịt, trồng rau màu và đi cấy lúa, cắt lúa thuê. Chồng tôi thì ai thuê gì làm nấy để lo cho các con đi học. Rất may, Nhà nước có chính sách miễn học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt nên 3 con của tôi mới được học hành đến nơi đến chốn. Các con giờ đã có việc làm ổn định, phụ cha mẹ cất được căn nhà kiên cố. Hiện tại, chồng tôi đi làm bảo vệ, còn tôi trồng rau và làm chổi để có nguồn thu nhập ổn định lo cuộc sống”, bà Ngoan chia sẻ.
Chị Huyền, con gái của bà Ngoan, công tác tại Trường Mầm non Bàn Thạch được 14 năm. Trong suốt quá trình học tập, chị Huyền được miễn học phí theo chính sách dành cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo Khmer. Chị Huyền cho biết: “3 chị em tôi đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Chúng tôi luôn nhớ ơn cha mẹ đã vất vả lao động và không thể nào quên sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào Khmer nói chung, hộ nghèo Khmer như gia đình tôi nói riêng. Cùng với đó, chúng tôi luôn nhắn nhủ nhau phải làm việc hết mình và sống có ích cho xã hội, góp sức nhỏ cho quê hương, đất nước mình”.
Là một trong những hộ nghèo tiêu biểu về tinh thần siêng năng trong lao động và tinh thần hiếu học ở ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, gia đình ông Danh Đa được xã công nhận thoát nghèo cuối năm 2020. Ông Đa cho biết, trước đây, do ít đất ruộng sản xuất, trong khi gia đình có 3 người con trong độ tuổi ăn học, dù đã cố gắng làm lụng, nhưng gia đình vẫn khó thoát khỏi cảnh nghèo.
Đến năm 2018, gia đình ông được cán bộ xã Định Hòa tư vấn cải tạo mảnh vườn để trồng rau màu, kết hợp với chăn nuôi lợn, đồng thời đề xuất Ngân hành chính sách xã hội tỉnh cho vay 50 triệu đồng để đầu tư ban đầu. Nhờ việc chăn nuôi, sản xuất thuận lợi, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, dần dần đầu tư mở rộng quy mô nuôi lợn, nuôi thêm gà, vịt. Nhờ đó, cuộc sống gia đình càng ấm no, đầy đủ hơn.
“Hiện nay, người con trai lớn của tôi đã tốt nghiệp đại học, đi làm cho một công ty ở thành phố Rạch Giá. Còn người con gái út đang học nghề ở Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh. Hai con tôi đi học đều được miễn học phí, có tiền trợ cấp cho hộ Khmer nghèo. Gia đình tôi rất cảm kích sự quan tâm chăm lo đầy đủ của Nhà nước”, ông Đa bày tỏ.
Một trường hợp khác là học sinh dân tộc Khmer, nhờ chính sách ưu đãi đã vươn lên trong học tập, có công việc chuyên môn cao. Đó là bác sĩ Danh Cu Ní, hiện đang công tác tại Khoa thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng. Bác sĩ Danh Cu Ní cho biết, anh đã ấp ủ ước mơ được học ngành Y từ những năm học cấp 2, nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Không chùn bước trước hoàn cảnh, anh Ní cố gắng học, trúng tuyển vào ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Trước hoàn cảnh thuộc hộ nghèo Khmer, anh Ní được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang xét học cử tuyển dành cho sinh viên Khmer, hỗ trợ hoàn toàn học phí, đồng thời trợ cấp chi phí sinh hoạt hàng tháng.
“Tôi có được kiến thức và công việc ổn định như hiện nay chủ yếu là nhờ chế độ chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước. Tôi luôn nhắc nhở bản thân cố gắng làm tốt công tác chuyên môn và thực hiện tốt các điều Y đức. Thời gian tới, tôi mong sẽ được đơn vị tạo điều kiện để học thêm chuyên khoa I, nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ người bệnh được tốt hơn”, bác sĩ Ní chia sẻ.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh có trên 30 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; 100% xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông nông thôn. Hộ gia đình đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 90%. Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh có hơn 3.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 4,7%.
Hằng năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer, tham gia học nghề tập trung ở các trình độ Cao đẳng, Trung cấp, qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm. Các chế độ, chính sách miễn giảm học phí, cử tuyển dành cho học sinh, sinh viên được triển khai kịp thời, đầy đủ.
Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 (gần 100 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5 - 2%. Tỉnh phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông.
Văn Sĩ