Chiều 12/10, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả sử dụng phân bón lá hữu cơ Nano Canxi-Silic “PAN” trên cây lúa tại huyện Bình Lục và Thanh Liêm.
Theo bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam), vụ Mùa 2022, tỉnh Hà Nam triển khai thí điểm mô hình sử dụng phân bón lá này trên cây lúa tại xã Liêm Phong (huyện Thanh Liêm) và xã Tiêu Động (huyện Bình Lục) với diện tích 50 ha.
Kết quả cho thấy, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, bộ lá màu xanh sáng, đẻ nhánh khỏe và tập trung, cứng cây, độ đồng đều cao; bông to, hạt mẩy, số dảnh hữu hiệu, tỷ lệ hạt chắc cao giúp năng suất, hiệu quả kinh tế tăng cao hơn so với lúa đối chứng. So sánh giữa mô hình và ngoài mô hình cho thấy chi phí sản xuất gần tương đương nhau, nhưng năng suất của mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ cao hơn so với ngoài mô hình là 52 kg/sào (360m2). Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn đối chứng 360.000 đồng/sào (tương đương 10 triệu đồng/ha).
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết, hiện nay tỉnh đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian tới, việc tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là rất cần thiết.
Phân bón lá hữu cơ là tiến bộ kỹ thuật mới về phân bón được Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là phân bón lưu hành tại Việt Nam. Kết quả bước đầu tại Hà Nam cho thấy sử dụng phân bón lá hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với diện tích lúa đối chứng, nhất là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, do mô hình mới thực hiện trên cây lúa trong một vụ nên ngành nông nghiệp phải phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thí điểm sử dụng phân bón lá hữu cơ trên cây lúa trong các vụ tiếp theo để khẳng định tính hiệu quả trước khi nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Doanh nghiệp cũng cần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong việc hoàn thiện quy trình, nghiên cứu giảm số lần phun thuốc để giảm chi phí sản xuất cho nông dân.
Nguyễn Chinh